Dùng dằng giá thuê SVĐ Mỹ Đình: Sao không “ba mặt, một lời”?

ANTĐ - Qua báo chí, Ban quản lý sân Mỹ Đình “thách” BTC trận giao hữu tuyển Việt Nam – CLB Arsenal hủy trận đấu, trong khi phía BTC trận đấu cũng “dọa” sẽ kiến nghị lên Chính phủ nếu Bộ VH-TT&DL không đưa ra được giải pháp hài hòa. Tự thân những người trong cuộc đã đẩy sự việc đi quá xa. 

Sân Mỹ Đình rất hoành tráng nhưng chưa bao giờ là “thánh địa” của bóng đá Việt Nam

Theo kế hoạch, hôm nay 17-6, VFF sẽ có cuộc làm việc với Bộ VH-TT&DL – đơn vị quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, để báo cáo và xin ý kiến xử lý vụ giá thuê sân Mỹ Đình bị đẩy lên cao gấp 10 lần mức bình thường.

Trả lời báo chí, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank - đồng tài trợ trận giao hữu, cho biết: “Tôi sẽ cho bộ phận tiếp thị, kế toán của VFF mang toàn bộ dự toán thu chi trong trận đấu gửi lãnh đạo Bộ VH-TT&DL. Lúc đấy, lãnh đạo Bộ sẽ biết chúng tôi lỗ rất nhiều chứ không phải lãi lớn như bên Ban quản lý sân Mỹ Đình lầm tưởng”. Tiết lộ của ông Dũng được xem như động thái đáp trả lại yêu cầu đòi “chia cỗ” (bằng cách tăng giá thuê sân lên mức kỷ lục: 1,5 tỷ đồng) của giám đốc Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, Cấn Văn Nghĩa. Theo ông Nghĩa, tiền bán vé trận đấu tính ngót nghét gần 40 tỷ, chưa kể tiền bán bản quyền truyền hình, biển quảng cáo… “Nhà có cỗ, bố mẹ ăn uống linh đình cũng phải cho con cái ăn với chứ, chẳng lẽ để chúng nhịn đói!?”, ông Nghĩa ví von nhằm minh họa cho “động cơ” tăng giá thuê sân. 

Tính căng thẳng vụ việc đang được người trong cuộc đẩy lên mức cao trào bằng những “đòn nắn gân” với đối phương. Tiếp tục bảo lưu quan điểm tăng giá thuê sân là chính đáng, ông Cấn Văn Nghĩa còn “thách” BTC hủy trận đấu: “Phía Arsenal đã đi khắp nước nhưng chỉ ưng mỗi sân Mỹ Đình. Nếu không tổ chức ở Mỹ Đình thì chỉ có nước hủy. Mà hủy cũng chẳng được vì phải đền bù, lại còn mất uy tín”. Không kém cạnh “đối thủ”, trả lời báo chí, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng “dọa” sẽ kiến nghị lên Chính phủ, nếu Bộ VH-TT&DL không thể dàn xếp ổn thỏa vụ việc đồng thời Ban quản lý sân Mỹ Đình vẫn giữ quan điểm đòi ăn chia lợi nhuận một cách quá đáng như thế.

Điều đáng trách là xuyên suốt thời gian xảy ra vụ việc, đôi bên đều đã nói rất nhiều, rất mạnh trên báo chí nhưng lại không chủ động gặp gỡ, thương thảo và xử lý vụ việc theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, hoặc giả không đi đến thống nhất thì nhờ Bộ VH-TT&DL đứng ra dàn xếp. Chứ không phải chờ đến nước vụ việc ầm ĩ mới nhờ Bộ can thiệp, rồi dọa kiến nghị cả với Chính phủ. Để đến giờ, vụ việc “xấu xí” đã đến tai Arsenal qua giới truyền thông Anh. Và dù sự việc có kết thúc theo chiều hướng nào, bên nào chịu “xuống nước” thì cũng không thể cứu vãn sự thật: Uy tín bóng đá Việt Nam đã bị giảm sút bởi sự cố “chẳng giống ai” của chính người trong cuộc.

Phát hành 36.390 vé từ 26-6

Ngoài việc khẳng định không tăng giá vé, hôm qua 16-6, BTC trận ĐT Việt Nam gặp CLB Arsenal cho biết: “Chúng tôi sẽ phát hành 36.390 vé, 3.000 giấy mời. Trong đó, khoảng 12.000 vé loại mệnh giá 400.000 đồng; 7.000 vé loại 700.000 đồng; 11.000 vé loại 1 triệu đồng và 6.000 vé loại 1,5 triệu đồng. Vé bán qua 3 đường: gửi công văn tới VFF (bán 9.000 vé, từ ngày 26-6); bán vé tự do tại sân Mỹ Đình (bán 10.000 - 15.000 vé, ngày 7-7); bán vé qua Tổng đài 1080. BTC cũng sẽ phát miễn phí hơn 3 vạn vé cho sinh viên các trường đại học tại Hà Nội, Hội CĐV Arsenal tại Việt Nam tới chứng kiến buổi tập mở của CLB vào 16-7.