Đức đính chính lại thông tin về Crimea sau những lời chỉ trích của Nga

ANTĐ -Đức đã phải sửa lại thông tin về Crimea trên trang web của chính phủ, sau những lời chỉ trích của Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov. 

Đức đính chính lại thông tin về Crimea sau những lời chỉ trích của Nga ảnh 1Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014


Ngoại trưởng Lavrov cho hay, ngày 9-12, trang web của chính phủ Đức đã đăng tải thông tin sai lệch về bán đảo Crimea, được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Trong đó, có thông tin nói rằng, Crimea đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, là nơi sinh sống của nhiều người thuộc Tatars, Ukraine, Armenia, Hy Lạp và Đức. Nhưng Nga không được đề cập ở đó.

Trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nga bức xúc: “Nếu đó là trang web chính thức của chính quyền Cộng hòa Liên bang Đức, tôi muốn biết những người biên soạn những thông tin trên là ai. Tại sao họ lại có sự “nhầm lẫn” như vậy. Chúng tôi cũng đã yêu cầu phía Đức đính chính thông tin trên”.

Về phía Berlin, phát ngôn viên của Bộ trưởng Nội các Đức khẳng định: “Đã có lỗi biên tập xảy ra đối với thông tin trên. Và chúng tôi rất tiếc về điều này”.

Hiện thông tin trên trang web đã được sửa  lại thành “dân số của Crimea qua nhiều thế kỷ đến từ nhiều quốc gia, dân tộc, tôn giáo khác nhau bao gồm người Nga, Crimean Tatars, Ukraine, Armenia, Hy Lạp và Đức”.

Trước đó, ngày 16-3, bán đảo Crimea và thành phố đặc biệt Sevastopol, nơi mà cư dân hầu hết là người Nga, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và yêu cầu độc lập. Kết quả là 96,77% cử tri tại Crimea và 95,6% cử tri Sevastopol đã bỏ phiếu đồng ý ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga.

Ngày 18-3, Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã chính thức phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea và Nga và phát biểu: “Crimea luôn là một phần không thể tách rời khỏi Nga”. Ngay lập tức, diễn biến này đã khiến dư luận phương Tây sôi sục. Chính quyền Kiev và phương Tây cho rằng, hành động này của Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế, là hành động “chiếm đất phi pháp” và họ sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp của nó.

Mặc dù vậy, Moscow vẫn liên tục khẳng định rằng, cuộc trưng cầu dân ý của người dân tại Crimea, ly khai khỏi Ukraine là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nó giống như là trường hợp Kosovoly khai  khỏi Serbia vào năm 2008.

Trong lịch sử, Crimea đã từng là của Đế quốc Nga vào năm 1783, dưới thời Nga hoàng Catherine. Dưới thời Liên Xô, Crimea cũng là một phần của Nga cho đến năm 1954, khi Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev trao tặng “món quà” Crimea cho chính quyền Ukraine.

Tuy nhiên, năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Crimea đã trở thành một phần độc lập của Ukraine, là một nước Cộng hòa tự trị. Cho tới tháng 3-2014, bán đảo Crimea đã trở về với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.