Dự trữ ngoại hối Việt Nam đủ để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với dư địa điều hành tỷ giá còn lớn, dự kiến tỷ giá VND/USD sẽ không tăng đột biến, từ đó không gây ảnh hưởng quá bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh.

Tỷ giá tăng nhưng chưa nóng

Liên tiếp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm tăng giá đồng USD so với hầu hết các đồng tiền trên toàn cầu. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đã liên tục tăng, từ mức khoảng 97 điểm hồi đầu năm, cho đến cuối tuần qua đã có lúc vượt 108 điểm. Điều này đã tác động mạnh đến các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND. Tính đến cuối tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.225 VND/USD, tăng tới 55 đồng mỗi USD tính từ đầu tuần.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ ổn định tỷ giá để góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ ổn định tỷ giá để góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

Trong tuần trước đó, tỷ giá trung tâm cũng đã được NHNN điều chỉnh tăng gần 50 đồng. Dù tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN được giữ nguyên trong những phiên gần đây, nhưng tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng đã tăng khá mạnh. Đặc biệt, trên thị trường tự do, mức tăng giá USD nóng hơn so với thị trường ngân hàng. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tính đến cuối tuần qua đã đạt mức 24.500 - 24.530 đồng/USD. So với đầu tuần, mỗi USD đã tăng gần 500 đồng.

Theo dữ liệu của Chứng khoán MSB, đến cuối tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,82% so với đầu năm, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này là lớn hơn nhưng không quá đột biến nếu so với diễn biến tăng trong khoảng 2% những năm gần đây. Đặc biệt khi đặt trong bối cảnh hàng loạt đồng tiền khác mất giá mạnh kể từ đầu năm, như: yen Nhật (-20,74%), bath Thái Lan (-10,41%), won Hàn Quốc (-11,42%)… Điều này cho thấy VND vẫn duy trì được sức mạnh đáng kể, chủ yếu nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua.

Với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là định hướng điều hành tỷ giá của NHNN.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán (HSBC Việt Nam)

Theo TS Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, để giải thích cho việc VND ổn định hơn nhiều đồng tiền khác trên thế giới, chúng ta phải nhìn vào lãi suất, bởi vấn đề tỷ giá bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi suất. Theo đó, một đồng tiền có lãi suất cao bao giờ cũng có xu hướng tăng giá so với đồng tiền có lãi suất thấp. Lãi suất VND hiện đang cao hơn gấp 3 đến 4 lần lãi suất USD nên xu hướng ủng hộ cho sức mạnh của đồng VND vẫn lớn hơn so với xu hướng mất giá. Tiếp đến là lạm phát. Hiện lạm phát của Mỹ đang rất cao, trên 9%.

Lẽ ra, với thông tin này, thì đồng USD phải mất giá, bởi dù lãi suất USD có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và do đó đồng USD phải mất giá. Với Việt Nam, lạm phát 6 tháng mới chỉ ở mức 2,44%, dự báo cả năm nay sẽ quanh 4%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với của Mỹ. Lãi suất đồng VND cao hơn lãi suất USD. Lẽ ra, với hai yếu tố này, đồng VND sẽ tăng giá so với USD. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố như lạm phát, lãi suất thì còn các yếu tố khác như chiến tranh, cấm vận, giá cả xăng dầu, mục tiêu tiếp tục tăng lãi suất của FED nên các dòng vốn trên thế giới vẫn đang tập trung về thị trường Mỹ, tập trung vào các công cụ nợ, trái phiếu Chính phủ Mỹ. Do đó, VND vẫn mất giá nhưng sẽ mất giá không nhiều so với đồng USD.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, nếu so sánh lạm phát của Việt Nam thấp hơn của Mỹ rất nhiều thì lẽ ra VND phải tăng so với USD. Thế nhưng trên thực tế chủ trương của NHNN là đảm bảo VND ổn định so với đồng USD, đồng thời cũng đảm bảo những cam kết với Bộ Tài chính Mỹ, tránh rơi vào tình trạng “thao túng tiền tệ”. Bên cạnh đó, một yếu tố tác động chiều ngược lại là thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong thời gian qua tương đối cao, theo đó đã tác động trực tiếp và tương quan tỷ giá hối đoái. “Như vậy, giữa một bên là yếu tố tác động làm tăng giá VND, một bên làm giảm giá VND, trong thời gian qua, NHNN đã giữ được đồng nội tệ ổn định như vậy là rất tốt” - vị chuyên gia đánh giá.

Đủ tiềm lực để bình ổn tỷ giá

Cũng theo các chuyên gia, việc điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 10%, nhưng rất may chúng ta nhập khẩu chủ yếu để xuất khẩu, vì vậy nên 10% này chủ yếu đi vào xuất khẩu, ảnh hưởng đến tiêu dùng không nhiều. Dù vậy, nó vẫn tác động một phần lên giá cả tiêu dùng, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam đã có xu hướng tăng. Tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá, nếu NHNN duy trì được tỷ giá này cho đến hết năm nay, năm sau Việt Nam có thể sẽ không bị tác động nhiều bởi tình hình kinh tế quốc tế dự kiến sẽ rất xấu.

Theo đánh giá chung, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để giữ ổn định tiền đồng. TS Trương Văn Phước cho rằng, với các yếu tố nội tại như lạm phát ổn định hơn so với Mỹ, lãi suất cao hơn Mỹ, có dự trữ ngoại hối tương đối cao khoảng 14-15 tuần nhập khẩu, GDP tăng trưởng khá (6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự kiến cả năm sẽ đạt 7 - 7,5%), tình hình chính trị, xã hội ổn định, phục hồi sau đại dịch rất tốt cùng với Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Đó là các nhân tố căn bản làm cho cán cân thanh toán của chúng ta được củng cố, thặng dư, nhờ đó tăng cường dự trữ ngoại hối và chúng ta có thể có những can thiệp kịp thời. Với những yếu tố tổng hòa trên, theo vị chuyên gia, đồng USD có thể tăng so với VND, tuy nhiên, sẽ không nhiều, khoảng 3-4%.

Còn theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán (HSBC Việt Nam), với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là định hướng điều hành tỷ giá của NHNN.

Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá biến động linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ. “Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội” - ông Phạm Chí Quang khẳng định.