Dự thảo Thông tư: Quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bộ trưởng Bộ Công an theo đúng thẩm quyền sẽ ký ban hành Thông tư quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân. Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến góp ý từ nay đến ngày 25-5-2022. Tòa soạn An ninh Thủ đô Cuối tuần giới thiệu với bạn đọc nội dung Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến góp ý.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

Công tác cải cách hành chính của lực lượng công an trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, pháp lý được xử lý nhanh gọn hơn, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân

Công tác cải cách hành chính của lực lượng công an trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, pháp lý được xử lý nhanh gọn hơn, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân, bao gồm: nguyên tắc quy định tiêu chí cải cách hành chính; tiêu chí khung cải cách hành chính, tiêu chí cải cách hành chính cụ thể của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thang điểm, mức điểm, kỳ đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính; phương pháp, hồ sơ xác định chỉ số cải cách hành chính; thẩm định, xếp loại, phê duyệt, công bố và sử dụng kết quả chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương); cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và cá nhân, tổ chức có liên quan đến xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức là các đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

2. Đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức là các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự theo các quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Tài liệu kiểm chứng là các kế hoạch, báo cáo, số liệu thống kê và các tài liệu khác đã được cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở cho việc chứng minh cách xác định điểm cụ thể ở các tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ sốcải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương.

4. Giải trình đối với các tiêu chí không có tài liệu kiểm chứng là việc Công an các đơn vị, địa phương sử dụng lập luận, diễn giải để chứng minh cho cách đánh giá, xác định điểm ở các tiêu chí chỉ số cải cách hành chính mà không có tài liệu kiểm chứng kèm theo.

Điều 4. Nguyên tắc quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân

1. Quy định tiêu chí cải cách hành chính đảm bảo đầy đủ, chính xác, phù hợp với thực tiễn cải cách hành chính trong Công an nhân dân.

2. Xác định chỉ số cải cách hành chính bằng điểm số cụ thể, gắn với từng nội dung tiêu chí và có tài liệu kiểm chứng hoặc giải trình cụ thể đối với những nội dung không có tài liệu kiểm chứng kèm theo.

3. Xác định chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân đảm bảo đa chiều, lồng ghép các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thuộc chức năng của Bộ Công an đang triển khai thực hiện.

4. Đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong xác định chỉ số cải cách hành chính.

Chương II

TIÊU CHÍ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 5. Tiêu chí khung

1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính.

2. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

3. Cải cách thủ tục hành chính.

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

5. Cải cách chế độ công vụ.

6. Cải cách tài chính công.

7. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

8. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Điều 6. Tiêu chí cải cách hành chính của đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức

1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính định kỳ hàng năm:

Mức độ kịp thời trong ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm;

Việc xác định đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Công an;

Việc dự trù và bố trí kinh phí đảm bảo cho việc triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm của đơn vị;

Việc xác định rõ ràng, cụ thể các kết quả phải đạt và định rõ trách nhiệm thực hiện của các đơn vị trong kế hoạch;

Mức độ thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đã xác định trong kế hoạch cải cách hành chính.

b) Thực hiện chế độ báo cáo về công tác cải cách hành chính:

Số lượng báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác cải cách hành chính theo quy định;

Báo cáo đầy đủ nội dung theo quy định;

Thời gian gửi báo cáo đúng quy định.

c) Sự năng động trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính:

Gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, công tác chuyên môn;

Có nội dung khác thể hiện sự năng động trong chỉ đạo, điều hành (tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc thi về cải cách hành chính).

d) Kết quả chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính:

Ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành và đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của đơn vị;

Tính kịp thời của các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của đơn vị.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ được Bộ, lãnh đạo Bộ giao:

Hoàn thành đúng tiến độ 100% số nhiệm vụ được giao trong năm;

Hoàn thành 100% số nhiệm vụ được giao nhưng có nhiệm vụ hoàn thành muộn so với tiến độ;

Chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật

a) Tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật đã được phê duyệt:

Mức độ thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị;

Việc tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

b) Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:

Việc ban hành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

Mức độ hoàn thành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

Xử lý kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

c) Kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại đơn vị:

Việc ban hành kế hoạch kiểm tra;

Mức độ hoàn thành kế hoạch kiểm tra;

Xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

d) Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của đơn vị:

Việc ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

Mức độ thực hiện kế hoạch;

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đơn vị đã triển khai thực hiện.

đ) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị:

Ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị;

Tỷ lệ các đơn vị trực thuộc được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra;

Xử lý các vấn đề phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

e) Chất lượng thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị:

Tính kịp thời của thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị;

Tính khả thi của thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị;

Tính hiệu quả của thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị.

3. Cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ lực lượng Công an nhân dân

a) Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính:

Việc ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tại đơn vị theo quy định;

Mức độ thực hiện kế hoạch;

Xử lý các vấn đề phát hiện qua rà soát.

b) Công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính trong nội bộ Công an nhân dân thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của đơn vị:

c) Tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính trong nội bộ Công an nhân dân tại đơn vị

Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ;

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ.

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

a) Thực hiện quy định của Chính phủ và Bộ Công an:

Sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc;

Thực hiện về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc.

b) Kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ:

Tỷ lệ các đơn vị trực thuộc được tặng các danh hiệu thi đua của năm trước liền kề năm đánh giá các mức độ: từ 70% đến 80%, từ 50% đến dưới 70% và có dưới 50% các đơn vị trực thuộc được tặng các danh hiệu thi đua.

c) Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của đơn vị:

Ban hành kế hoạch kiểm tra;

Mức độ thực hiện kế hoạch kiểm tra;

Đánh giá về xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

d) Kết quả thực hiện quy chế làm việc:

Quy chế làm việc được sửa đổi, bổ sung kịp thời và thực hiện nghiêm túc;

Không sửa đổi, bổ sung kịp thời quy chế làm việc hoặc thực hiện quy chế làm việc chưa nghiêm túc;

Không có quy chế làm việc.

đ) Thực hiện phân cấp:

Thực hiện phân cấp quản lý;

Thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý đã phân cấp cho Công an cấp dưới;

Xử lý các vấn đề phân cấp phát hiện qua kiểm tra.

5. Cải cách chế độ công vụ

a) Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân:

Xây dựng kế hoạch thực hiện;

Mức độ thực hiện kế hoạch.

b) Tỷ lệ quân số được bố trí đúng chuyên môn đào tạo:

Trên 80%;

Từ 70% đến 80%;

Từ 50% đến dưới 70%;

Dưới 50%.

c) Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ:

Ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng (kế hoạch riêng hoặc nằm trong báo cáo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm);

Mức độ thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm của đơn vị.

d) Đổi mới công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

Đánh giá cán bộ, chiến sĩ trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao;

Thực hiện khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác;

Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ sai phạm.

đ) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân của năm trước liền kề năm đánh giá:

Từ 80% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

Từ 60% đến dưới 80% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ;

Dưới 60% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

6. Cải cách tài chính công

a) Xây dựng, công khai dự toán và quyết toán tài chính hàng năm theo quy định:

Xây dựng, công khai dự toán;

Thực hiện quyết toán đúng quy định.

b) Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế trong công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần:

Ban hành quy trình, quy chế trong công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần của đơn vị;

Kết quả thực hiện quy trình, quy chế trong công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần của đơn vị.

c) Thực hiện quy chế dân chủ về tài chính trong đơn vị:

Ban hành văn bản thực hiện quy chế dân chủ về tài chính trong đơn vị;

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ về tài chính trong đơn vị.

d) Thực hiện kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản:

Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong đơn vị;

Xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

7. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin;

Mức độ thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị;

Tỷ lệ triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản các mức độ: trên 80%; từ 70% đến 80%; từ 50% đến dưới 70% và dưới 50%;

Tỷ lệ triển khai ứng dụng phần mềm quản lý công việc (mạng LAN) các mức độ: trên 50%; từ 20% đến dưới 50% và dưới 10%;

Mức độ triển khai thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trong quản lý, điều hành đơn vị;

Mức độ sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong xử lý công việc của đơn vị.