Dự thảo Thông tư Quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bộ Công an hoàn thành dự thảo Thông tư quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trước khi ban hành. Tòa soạn An ninh Thủ đô Cuối tuần giới thiệu dự thảo Thông tư nêu trên.

Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông về việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành do Bộ ngành, địa phương, quản lý và hệ thống Công nghệ thông tin của các tổ chức khác.

2. Quy định rõ trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số của từng đơn vị, cá nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công an các đơn vị, địa phương.

2. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm công tác triển khai, quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu..

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:

a) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

b) Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công.

c) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: là hệ thống trang thiết bị (phần cứng, phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu và đường truyền kết nối) phục vụ cho việc thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền đưa và trao đổi thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: là cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương; Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 4. Yêu cầu trong việc quản lý, kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Cơ quan nhà nước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện, tuân thủ các yêu cầu sau:

1. Chỉ định cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách. Cán bộ đầu mối phụ trách có trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi quá trình kết nối, phối hợp, xử lý các vấn đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia do đơn vị quản lý.

2. Công khai thông tin về đầu mối phụ trách kết nối, chia sẻ dữ liệu; các thông tin về sự sẵn sàng chia sẻ dữ liệu và các thông tin cần công bố khác theo quy định tại Thông tư này.

3. Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin; các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu; quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân.

4. Bảo đảm dữ liệu chia sẻ phải có khả năng gửi, nhận, lưu trữ, xử lý được bằng thiết bị số.

5. Tuân thủ các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về trao đổi dữ liệu, về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

6. Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KẾT NỐI, CHIA SẺ, TRAO ĐỔI THÔNG TIN, DỮ LIỆU GIỮA CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

Điều 5. Mô hình kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh.

2. Kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh: Qua trục liên thông văn bản quốc gia.

3. Trường hợp kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua hệ thống, nền tảng khác phải được sự kiểm tra, đánh giá về an ninh, an toàn hệ thống trước khi kết nối và được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 6. Dữ liệu danh mục dùng chung

Dữ liệu danh mục dùng chung nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ ở dạng điện tử các danh mục dùng chung của các Bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả và tạo sự thống nhất trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin gồm:

1. Nhóm máu;

2. Giới tính;

3. Dân tộc;

4. Tôn giáo;

5. Tình trạng hôn nhân;

6. Quốc tịch;

7. Quốc gia;

8. Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;

9. Quận/huyện/thị xã;

10. Xã/phường/thị trấn;

11. Quan hệ với chủ hộ.

Điều 7. Các bước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Có văn bản thống nhất với cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống thông tin và hạ tầng kết nối mạng phù hợp để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu.

3. Ban hành tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu.

4. Xây dựng, điều chỉnh phần mềm phục vụ kết nối, trao đổi thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Kiểm thử thành công kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

6. Được đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an là Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin và có văn bản xác nhận bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của hệ thống công nghệ thông tin do 02 đơn vị cung cấp trước khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

7. Ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin của tổ chức.

8. Ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin của cá nhân khi cán bộ sử dụng kết quả các dịch vụ do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp để phục vụ công tác nghiệp vụ của đơn vị.

9. Ký quy chế kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

10. Cơ quản quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp tài khoản cho tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 8. Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin

1. Công dân thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào ứng dụng tin nhắn trên điện thoại

Bước 2: Soạn tin nhắn tới đầu số ……..với cú pháp:………………

Bước 3: Xem kết quả hiển thị.

2. Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không mất phí khai thác thông tin. Nhưng phải trả phí sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của bên cung cấp dịch vụ viễn thông.

Điều 9. Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia

1. Công dân thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia

2. Có 02 loại tài khoản có thể đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia và tài khoản cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử.

3. Đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia như sau:

a) Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia

Bước 1: Công dân truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia .

Bước 2: Vào mục “Đăng ký” và làm theo hướng dẫn.

b) Tài khoản cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử

Công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử bằng các hình thức:

Hình thức 1: Đăng ký tài khoản định danh điện tử trực tuyến thực hiện bởi cán bộ Công an (qua ứng dụng VNEID dành cho cán bộ).

Hình thức 2: Đăng ký tài khoản định danh điện tử tại Cơ quan công an cấp xã thuộc 05 thành phố trực thuộc Trung ương (đối với trường hợp công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip).

Hình thức 3: Đăng ký tài khoản định danh điện tử tại Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Công an cấp huyện trên phạm vi cả nước.

Hình thức 4: Đăng ký tài khoản định danh điện tử trực tuyến (trên ứng dụng VNEID, công dân tự thực hiện).

- Công dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 trực tuyến thực hiện cài đặt và đăng ký tài khoản ứng dụng VNEID.

- Công dân đăng nhập ứng dụng VNEID, chọn đăng ký tài khoản định danh điện tử trực tuyến, thực hiện theo các bước hướng dẫn trên ứng dụng VNEID.

- Hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử trực tuyến được xử lý tại Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và trả kết quả bằng tin nhắn qua số điện thoại công dân đăng ký.

4. Đăng nhập tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia.

5. Sử dụng dịch vụ “Tìm kiểm thông tin công dân” để khai thác thông tin.

Điều 10. Thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu

Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu theo thẩm quyền; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.

Điều 11. Tạm ngừng kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu

Việc tạm ngừng kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu tuân thủ theo quy định tại Điều 43 Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của Cơ quan nhà nước.

Điều 12. Chấm dứt kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu

Việc chấm dứt kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu tuân thủ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của Cơ quan nhà nước.

Điều 13. Lưu trữ nhật ký chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu

1. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải lưu lại lịch sử thông tin yêu cầu chia sẻ, trao đổi dữ liệu của cơ quan kết nối đến, nội dung đã chia sẻ dữ liệu cho cơ quan khai thác làm căn cứ đối chiếu, giải quyết các vấn đề về việc sử dụng dữ liệu sau khi khai thác.

2. Nội dung thông tin lịch sử lưu trữ bao gồm:

a) Thời điểm, hình thức yêu cầu dữ liệu, cung cấp dữ liệu;

b) Định danh cơ quan yêu cầu khai thác dữ liệu;

c) Nội dung yêu cầu;

d) Trạng thái đáp ứng yêu cầu; nội dung dữ liệu đã chia sẻ (nếu cần thiết);

đ) Các thông tin cần thiết khác làm cơ sở đối chiếu giải quyết các vướng mắc khi sử dụng dữ liệu.

3. Thời gian lưu trữ nhật ký thực hiện theo quy định tại quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu.

Chương III

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM TRONG KẾT NỐI, CHIA SẺ DỮ LIỆU

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền sau:

a) Từ chối đề nghị chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu nếu đề nghị cung cấp thông tin, dữ liệu không phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải nêu rõ lý do từ chối và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết vướng mắc;

b) Yêu cầu cơ quan, cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông báo tình hình sử dụng dữ liệu đã chia sẻ trong trường hợp có dấu hiệu việc sử dụng dữ liệu không phù hợp với quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu, quy định của pháp luật;

c) Tạm dừng hoặc chấm dứt kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định tại Điều 11 và 12 của Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm sau:

a) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin để sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu;

b) Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn chia sẻ dữ liệu;

c) Quản lý, công bố dữ liệu theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc quản lý dữ liệu của cơ quan phù hợp với thực tiễn quản lý dữ liệu;

d) Bảo đảm chất lượng dữ liệu được cung cấp; cập nhật dữ liệu kịp thời; đính chính, hiệu chỉnh khi có sai lệch dữ liệu;

đ) Rà soát, đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin, hạn chế các rào cản về điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cung cấp, chia sẻ dữ liệu; đánh giá các vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong việc chia sẻ dữ liệu; báo cáo cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý nhà nước về chia sẻ dữ liệu;

e) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền tình hình cung cấp và trao đổi dữ liệu khi có yêu cầu;

g) Phối hợp với cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc để giải quyết các vướng mắc, tranh chấp trong quá trình chia sẻ, sử dụng dữ liệu.

h) Chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo quy định việc bảo đảm an ninh, an toàn của các cơ quan kết nối đến; kiểm tra việc sử dụng dữ liệu đã được chia sẻ, cung cấp cho các cơ quan kết nối đến.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của cơ quan kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền sau:

a) Khai thác, sử dụng dữ liệu theo mục đích phù hợp;

b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc làm ảnh hưởng đến quyền khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ của mình.

2. Cơ quan kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm sau:

a) Tuân thủ các quy định của Thông tư này và các quy định của cấp có thẩm quyền về kết nối, chia sẻ dữ liệu;

b) Trao đổi thông tin, dữ liệu và sử dụng dữ liệu đúng phạm vi cho phép theo quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu, nội dung thống nhất chia sẻ dữ liệu và các văn bản có liên quan;

c) Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về những sai sót của dữ liệu đã chia sẻ;

d) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các vướng mắc trong quá trình chia sẻ, sử dụng dữ liệu.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày… tháng 4 năm 2022. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, thi hành Thông tư này.

2. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá an ninh an toàn thông tin các hệ thống Cơ sở dữ liệu có liên quan phục vụ kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành, địa phương quản lý Cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện và tuân thủ các quy định theo Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.