Du lịch mạo hiểm: Cuộc chơi tốn kém, đắt đỏ!

Sự kiện Raid Gauloises đến Việt Nam như đặt mốc mới để du lịch mạo hiểm có thể cất cánh. Song cho đến nay, du lịch mạo hiểm Việt Nam vẫn là "trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp", không tạo được sức bật.

Du lịch mạo hiểm: Cuộc chơi tốn kém, đắt đỏ!

Sự kiện Raid Gauloises đến Việt Nam như đặt mốc mới để du lịch mạo hiểm có thể cất cánh. Song cho đến nay, du lịch mạo hiểm Việt Nam vẫn là "trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp", không tạo được sức bật.

Nhiều cá nhân trong đoàn Raid Gauloises sau đó đã quay lại Việt Nam năm 2002 (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Nhiều cá nhân trong đoàn Raid Gauloises sau đó đã quay lại Việt Nam năm 2002 (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Thừa tiềm năng

Trong một bài viết gần đây nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên chính Vụ Lữ hành (Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch) đánh giá, thiên nhiên, địa hình đất Việt rất phù hợp với du lịch mạo hiểm, điển hình là các bộ môn đi bộ (trekking), leo núi (hiking), đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù... 

Địa chỉ vàng cho các chuyến đi mạo hiểm chính là khu vực các tỉnh miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. 

Lợi thế sẵn có

- Tuyến đường từ Đà Nẵng lên Kon Tum, từ Đà Lạt về Phan Rang, đèo Prenn, tuyến đường số 4 từ Cao Bằng đến Hà Giang, 2 tuyến tại Hà Giang (từ Thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, từ Bắc Quang đến Hoàng Su Phì sang Xín Mần), tuyến vòng cung Tây Bắc từ Hoà Bình qua Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu sang Sa Pa (Lào Cai) và từ thị xã Lào Cai đến Bắc Hà có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, rất hợp để tổ chức du lịch mô tô, ô tô, xe đạp. 

- Đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang); dãy Lang Biang (Đà Lạt), đỉnh Bạch Mã, vách núi hòn Phụ Tử ở Hà Tiên: nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi. 

- Thác nước đẹp, hùng vĩ, hợp loại hình du lịch vượt thác đầy mạo hiểm như thác Đầu Đẳng (hồ Ba Bể); Dray Sap, Dray Nu, Dam Bri ở Tây Nguyên; Bản Giốc (Cao Bằng)... 

- Bờ biển dài; bãi biển và đảo đẹp thơ mộng như Cát Bà, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, các đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long... có thể tổ chức lặn biển, đua thuyền kayak, thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển… 

- Hệ thống sông, hồ, như hồ Ba Bể, Hoà Bình, Thác Bà, Núi Cốc và hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Hương, Cửu Long... phù hợp để du lịch mạo hiểm dưới nước. 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Phạm Trung Lương cũng nói rằng, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2010 đã xác định du lịch mạo hiểm là lĩnh vực đặc thù, cần chú trọng. Cụ thể, từ Hà Giang đến Hà Tĩnh có một số không gian để phát triển tốt du lịch mạo hiểm như Sapa, PhanXiPăng, dãy Hoàng Liên Sơn... nhờ địa thế hiểm trở, hoang sơ kết hợp yếu tố văn hóa.

Hà Giang - cực bắc của Tổ quốc, với các dạng dịa hình đặc biệt về cả nghiên cứu khoa học, du lịch, cũng được coi là miền đất để khám phá. Lưu vực dọc sông Hồng cũng đáng "để mắt" phát triển du lịch vượt thác ghềnh.

Song, ông Tuấn nhận xét, các DN lữ hành hiện mới khai thác được tài nguyên du lịch tại đồng bằng, ven biển và một số khu vực miền núi, gần thị trấn, ven quốc lộ... Một phần rất lớn khác, phong phú và quý giá hơn nhiều, cho các loại hình du lịch mạo hiểm, hiện vẫn ngủ yên.

Dấu ấn đậm nhất là sự có mặt của  chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises" vào năm 2002. 800 khách du lịch quốc tế, đến từ 17 quốc gia tham gia chuyến đi kéo dài 14 ngày, tại 9 tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Từ đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác, đi bè mảng, thuyền nan trên suối, xe đạp đổ đèo, thuyền kayak trên biển... họ đều tham gia. Ý nghĩa về quảng bá, xúc tiến cũng như thành công về kinh tế là điều đáng ghi nhận từ chương trình. 

Tiếp theo, năm 2004 và 2006, Saigontourist phối hợp với CLB thuyền buồm Hongkong và hãng Goodman Marine International tổ chức 2 cuộc đua thuyền buồm từ Hongkong đến Nha Trang, với hơn 200 khách mỗi cuộc đua.

Từ đó đến nay, Việt Nam vắng hẳn các chương trình du lịch mạo hiểm có quy mô. Ông Tuấn thừa nhận, cũng không có một nghiên cứu lớn nào về du lịch mạo hiểm ở Việt Nam được công bố. Trên thực tế, sản phẩm du lịch mạo hiểm của các DN hiện nghèo nàn, phân tán.

Cuộc chơi tốn kém

"DN chưa mặn mà vì thiếu thông tin, kinh nghiệm về xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm - hiện mới ở dạng nửa vời và khó bán. Hiểu biết về loại hình du lịch này còn hạn chế. Thông tin về thị trường đến các DN ít. Ai cần, cần đến mức độ nào, cần cái gì thì chưa có mà chỉ nghe nói phong thanh, làm đại đi. Đầu tư không cần nhiều nhưng đòi hỏi gắt gao về kinh nghiệm xây dựng tour, điều này một DN nhỏ khó có thể đáp ứng được", ông Phạm Trung Lương nhận xét. 

Du khách mê đi bộ khám phá các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (ảnh Tổng cục Du lịch).
Du khách mê đi bộ khám phá các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (ảnh Tổng cục Du lịch).

Ông Tuấn còn phàn nàn về việc làm thủ tục khi tổ chức các tour du lịch mạo hiểm. Ông cho rằng, DN lữ hành mất quá nhiều thời gian vào khâu này. Ngang qua địa phương nào, nhất là khu vực cấm hoặc gần biên giới, DN cũng phải xin phép tỉnh, rồi chờ tỉnh xin Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng. Để hoàn thiện thủ tục, DN thường mất một vài tháng, thậm chí hàng năm.

Sau Raid Gauloises, bài học quý giá mà Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội có được là kinh nghiệm tổ chức du lịch mạo hiểm một cách chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa tổ chức với cứu hộ, hậu cần; giữa các DN và địa phương... Đáng tiếc là sau đó, họ cũng chỉ tổ chức được một số tour trên cơ sở tận dụng đường đi mà chương trình Raid Gauloises khai phá. 

Một tour guide du lịch lâu năm trong nghề nhận xét, nếu nói là du lịch mạo hiểm, chỉ có một số công ty lớn như Lửa Việt, Hồng Bàng, Fiditourist với các tour leo núi, trekking ngắn tại Đà Lạt, Cát Tiên; còn các tour xuyên rừng chinh phục đỉnh FanxiPang, xe máy vòng cung tây - đông bắc... đa phần do các công ty tư nhân, văn phòng du lịch nhỏ thực hiện.

Anh Phạm Hoàng Tuấn, Phó Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch (Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội) nhớ như in khi đi làm thủ tục cho đoàn Raid Gauloises trước khi họ tới Việt Nam. Mặc dù đã có ý kiến đồng ý từ Chính phủ, cán bộ Tổng cục Du lịch (cũ), anh và các đồng sự phải mất cả năm trời để đi khảo sát, làm thủ tục. 

Có khi, vì công văn chưa về đến địa phương nên đến lúc đoàn khảo sát tới, công an không biết nên vẫn giữ người, kiểm tra.

  Ở miền Bắc thịnh hành nhiều loại hình mạo hiểm hơn, lớn phải kể đến "anh cả" Topas travel, Handspan travel; trekking có Footprint, Bufalo; tour xe đạp có Marco Polo, Sinh travel (Sinh cafe), Exotissimo (Pháp); canoeing và rafting có Handspan, Marco Polo...

Hầu hết các DN, cá nhân mà VietNamNet tiếp xúc đều cho rằng, do phần lớn người Việt ít có thói quen khám phá và mạo hiểm, khách Tây yêu cầu cao về độ an toàn nên ngoài việc chọn địa điểm, các DN cần phải tổ chức chuyên nghiệp, hướng dẫn viên (HDV) phải được đào tạo bài bản về du lịch mạo hiểm - điều đang được coi là khó nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Macro Polo khẳng định, Việt Nam không có HDV về du lịch mạo hiểm. Nước ta cũng chưa có trường, lớp nào đào tạo về HDV đặc thù này. Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam chỉ thịnh hành leo núi và lặn biển, do vậy, các DN lữ hành thường thuê dân bản địa dẫn khách; hay đối với tour đi xe đạp, Macro Polo thuê một vận động viên đua xe đạp đi cùng. HDV chủ yếu tham gia trợ giúp đoàn và phiên dịch.

Do tính chất mạo hiểm, đe dọa đến tính mạng nên tổ chức phải chặt chẽ khiến giá tour rất cao. Ngay các nhà bảo hiểm cũng thường từ chối bán cho các tour này. Ví như, giá tour ở Công ty Lữ hành Topas rất đắt, khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/khách cho tour thường. Hay tour leo đỉnh Fanxipang, 1 khách kèm 1 "porter" (người khuân vác, lo chuyện dựng lều, nấu nướng... ) giá khoảng 1,3 triệu đồng/người, do tính chinh phục giảm đi.

Ngoài ra, phương tiện cho du lịch mạo hiểm thường đơn giản, nhưng khó tìm và đắt đỏ. Hầu hết toàn bộ đồ cho du lịch mạo hiểm phải mua từ nước ngoài. Một chiếc rafting vượt suối làm bằng composite giá 4.000 USD nên DN lữ hành buộc phải mua thuyền cao su bơm hơi, 500-800 USD/chiếc (độ an toàn thấp). Xe đạp để du lịch mạo hiểm rẻ cũng phải 400 USD/chiếc, mái chèo 300-400 USD/chiếc, dụng cụ leo núi 500-700 USD/chiếc...

Về thủ tục xin phép, ông Hùng cho biết cũng không phải quá khó khăn, phức tạp. Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn, và nay là quản lý công ty chuyên về du lịch mạo hiểm, ông nói rằng, nguyên tắc là khu vực cấm không được vào; khu vực biên giới phải khai báo.

Theo VNN