Dù hoàn cảnh nào cũng cần điều chỉnh lương cho các đối tượng chính sách

ANTĐ - Phát biểu kết luận phiên thảo luận vào cuối buổi chiều 31-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm mà ông từng phát biểu ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất phương án lùi thời điểm tăng lương tối thiểu đối với những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi đề nghị dù trong hoàn cảnh nào, tình hình khó khăn đến mấy cũng phải dành nguồn tiền có thể tiết kiệm được để giải quyết việc điều chỉnh lương, nâng mức lương, khắc phục bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách, người hưu trí, dành thêm phần nào đó cho các cán bộ công chức đang hưởng mức lương chừng 2-3 triệu đồng/ tháng trở lại”.

Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình lớn của đông đảo ĐBQH trong phiên thảo luận. ĐB Nguyễn Đức Kiên (đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ, ông rất phấn khởi khi Bộ trưởng Bộ Tài chính hứa trước Quốc hội là sẽ tăng lương. Tuy nhiên, ĐB này cũng tỏ ra băn khoăn bởi nhìn lại cân đối bảng chi ngân sách của dự toán 2013 không hiểu nguồn để tăng lương đó sẽ lấy từ đâu. Hơn nữa, nếu dự kiến tăng thêm lương (dù theo lộ trình từ 1-5 hay từ 1-7-2013) thì cũng cần có đánh giá, xem tác động tới các doanh nghiệp ra sao.

Tương tự, ĐB Nguyễn Thành Tâm (đoàn ĐB tỉnh Tây Ninh) cũng cho rằng, tăng lương là nhu cầu thiết yếu nhưng phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay. ĐB này đặt vấn đề, nếu để có nguồn tăng lương mà cắt giảm ngân sách chi cho đầu tư phát triển thì không thể được, hoặc cắt các khoản đầu tư khác cũng rất khó. Phải nhìn nhận rằng, một bộ phận không nhỏ bị ảnh hưởng nếu không điều chỉnh lương nhưng một bộ phận dân cư khác còn lớn hơn sẽ bị ảnh hưởng nếu các khoản ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư bị cắt giảm.