Dư địa lớn, cần thêm giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau gần 1 năm phát triển, số thẻ tín dụng nội địa vẫn còn khiêm tốn và khá lạ lẫm với đa số người dân. 

Đứa con "sinh sau đẻ muộn"

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), thời gian qua thanh toán không dùng tiền mặt phát triển rất mạnh, trong đó thẻ nội địa có sự phát triển rất vượt bậc trong vòng 5 năm gần đây.

Đến thời điểm hiện tại có hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền ATM tại hơn 20.000 điểm.

Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%. Nếu xét về online và trực tuyến, con số này là 87% về số lượng giao dịch và 107% về giá trị giao dịch.

Đây là lý do mà Napas đã hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ, đặc biệt là các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng là đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip. Chương trình này mới đưa vào từ đầu tháng 1/2021, đến nay có 12 tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa gồm 9 ngân hàng và 3 công ty tài chính.

Tính đến hết tháng 6/2022 đã ghi nhận có 600 nghìn thẻ được phát hành, chỉ chiếm 7% so với thẻ tín dụng quốc tế và chưa đến 0,5% so với dung lượng 110-120 triệu thẻ các loại trên thị trường.

“Con số này không quá lớn, nhưng xét trong điều kiện Covid-19 và xét trong điều kiện thẻ tín dụng nội địa người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký và nhận, thì con số trên cũng đang được ghi nhận” – đại diện Napas cho biết.

Lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành vẫn khiêm tốn

Lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành vẫn khiêm tốn

Thẻ tín dụng nội địa hướng tới để phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và NHNN đề ra, thông qua việc phổ cập khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt; đồng thời tạo ra phương thức, kênh tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các tiêu dùng cá nhân, đặc biệt đối với những người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình. Các tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi lên tới 60 ngày.

“Đây là những tiện ích rất tốt, mà Napas đã hợp tác với các ngân hàng để đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, như sản phẩm thẻ Agribank Lộc Việt 2 trong 1, hay VietCredit… Định hướng sắp tới là tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác để phổ cập thẻ tín dụng nội địa đến đa số người dân” – ông Hùng nói.

Dư địa lớn, cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển

Theo lãnh đạo Napas, đến nay, đã có 350.000 điểm giao dịch chấp nhận thẻ tín dụng nội địa, ngoài ra có thể dùng trực tiếp để rút tiền trên 20.000 máy ATM của Napas hợp tác với các ngân hàng.

Với xu hướng thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh và nhu cầu tiếp cận các khoản tín dụng nhỏ với thủ tục đơn giản đang rất lớn, đây sẽ là dư địa phát triển rất tốt cho thẻ tín dụng nội địa.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển thanh toán (Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước) cho rằng do các ngân hàng mới bắt đầu phát hành thẻ tín dụng nội địa nên việc đưa thẻ này thành một giải pháp người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tín dụng tiêu dùng thì trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp.

Thứ nhất về tổ chức phát hành thẻ, phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa đến đông đảo người dân. Đồng thời cũng nên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để người dân có thể tiếp cận được và sử dụng sản phẩm một cách có lợi nhất và thích thú tham gia.

Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế, do đó, ông Giang cho rằng tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.

“Khi khách hàng mở tín dụng nội địa, tức tiếp cận nguồn vốn chính thống của ngân hàng rồi, nhưng muốn sử dụng nguồn vốn này cho các nhu cầu như thanh toán tiền điện, nước, học phí, y tế… thì cũng phải có điểm chấp nhận thanh toán” – ông Giang nói.

Theo ông, hiện tại, ở khu vực đô thị đã tương đối phổ biến, tuy nhiên, cũng phải cung cấp các điểm chấp nhận thẻ ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa… để khách hàng có thể sử dụng.

Thứ ba, đại diện NHNN cho biết, một số tổ chức phát hành thẻ đang đồng thời phát hành thẻ tín dụng quốc tế thì cũng có một số lợi ích về kinh tế hơn so với phát hành thẻ tín dụng nội địa (chẳng hạn nhận được các chi phí như chuyển đổi ngoại tệ (interchange) của các tổ chức thẻ quốc tế cao hơn so với thẻ tín dụng nội địa).

Do đó, ông Giang cho rằng, với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, Napas cần phối hợp với tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ để có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, hoặc đơn vị phát hành để mở rộng mạng lưới…