Dự án BT giao thông tại Hà Nội: Quy trình chặt chẽ, không có chuyện "đánh đổi đất vàng lấy hạ tầng"

ANTD.VN - Sau khi thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và phát triển”, thông tin về một số dự án được thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư tại sự kiện này, trong đó có các dự án giao thông theo hình thức đầu tư BT (Hợp đồng xây dựng- chuyển giao) rất được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về những dự án này.

Dự án từ đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3, quận Thanh Xuân đã được xem xét rất chặt chẽ

Quy trình thẩm định chặt chẽ

Tại hội nghị Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 17-6-2018 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho một số dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Các dự án này bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2- Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT; Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông theo hình thức BT; Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5;

Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân. Đây là các dự án thuộc diện ưu tiên đầu tư nhằm chống ùn tắc giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung.

Tuy vậy, sau khi một số cơ quan báo chí thông tin, dư luận lại rộ lên những ý kiến bày tỏ băn khoăn về các dự án này. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Lương Hoài Nam - Trưởng phòng Quản lý dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Sở KH-ĐT Hà Nội) cho biết, đây thực chất đều là các dự án đã được khởi động từ trước năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thực hiện cơ chế chỉ định thầu (trong giai đoạn trước đây). Quá trình xem xét, chuẩn bị; công bố và kêu gọi đầu tư cho các dự án này là khá dài và mất rất nhiều công sức chứ không phải trong ngày một ngày hai.

Khẳng định quy trình thẩm định, chuẩn bị các dự án BT này là rất chặt chẽ và minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành, ông Lương Hoài Nam cho biết, Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án phải được các cơ quan chuyên môn của thành phố thẩm định kỹ lưỡng; thiết kế cơ sở và tổng vốn đầu tư cũng được Sở xây dựng chuyên ngành thẩm định theo quy định.

Đơn cử, với dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3, quận Thanh Xuân, trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 472/TTg-KTN ngày 29-3-2011, UBND TP đã có Quyết định số 1737/QĐ-UBND ngày 14-4-2011 chấp thuận thông qua hồ sơ đề xuất dự án và chỉ định nhà đầu tư xây dựng tuyến đường từ vành đai 2,5 (quận Thanh Xuân) qua sông Nhuệ đến đường vành đai 4 theo hình thức hợp đồng BT (nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt).

Sau quá trình xem xét, điều chỉnh các vấn đề liên quan, UBND TP đã có văn bản số 1724/UBND- KH&ĐT ngày 23-3-2016, xác định dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân (thực hiện theo hình thức hợp đồng BT) là 1 trong 52 công trình trọng điểm của TP.

Tới ngày 5-8-2016, Thành ủy Hà Nội có thông báo số 317-TB/TU, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện và phê duyệt điều chỉnh đề xuất dự án. Thực hiện chỉ đạo nêu trên, ngày 11-8-2016, UBND TP giao Sở GTVT hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Ngày 20-2-2017, UBND TP có Quyết định số 1226/QĐ-UBND, chuyển chủ đầu tư một dự án sang Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư mới đã có tờ trình, đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức hợp đồng BT… Tới ngày 23-1-2018, UBND TP có văn bản yêu cầu các sở ngành rà soát các nội dung của dự án theo chỉ đạo của UBND TP trước đó…

“Điểm lại sơ lược để thấy lộ trình xem xét các dự án BT phải qua rất nhiều bước. Quy trình thực hiện một dự án BT trên địa bàn thành phố rất chặt chẽ và minh bạch, trải qua nhiều cơ quan xem xét, thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo đúng pháp luật, không có chuyện dễ dãi hay sơ sài”- đại diện Sở KH-ĐT Hà Nội khẳng định.

Không có chuyện “đổi đất vàng lấy hạ tầng”

Trước băn khoăn của dư luận rằng “thành phố phải đánh đổi quỹ đất vàng quá lớn lấy các dự án BT giao thông”, ông Lương Hoài Nam cho rằng, nhận định này chỉ là cảm tính, không có cơ sở. “Con số tổng mức đầu tư các dự án cũng như việc tìm kiếm và tính toán quỹ đất đối ứng được làm rất chặt theo quy trình được kiểm soát ngặt nghèo” - ông Lương Hoài Nam nói.

Với tổng mức đầu tư của 1 dự án BT, con số dự kiến ban đầu được thẩm định kỹ càng bởi các cơ quan chuyên môn của thành phố và đơn vị tư vấn độc lập. Ngoài ra, quá trình triển khai; thanh quyết toán của tất cả các dự án BT đều được đặt trong “tầm ngắm” của các cơ quan thanh tra, giám sát như Thanh tra Chính phủ hay Kiểm toán Nhà nước…

Ở giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, quỹ đất thanh toán cho dự án BT phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch (dựa trên quy hoạch phân khu đô thị hoặc quy hoạch chi tiết nếu có) làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường sơ bộ xác định giá trị quỹ đất thanh toán. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện xác định giá trị quỹ đất trên cơ sở so sánh giá của 4 loại hình chuyển dịch quyền sử dụng đất tại khu vực để lựa chọn phương án có giá trị cao nhất.

“Giá đất được tính toán theo nguyên tắc thị trường. Ví dụ, nếu ở khu vực đó từng có đấu giá quyền sử dụng đất thì đó là một căn cứ để xác định, nếu không có đấu giá thì tham khảo các giao dịch nhà đất có thật ở khu vực đó… Các quỹ đất phải thực hiện cơ chế chung của thành phố và không có “đất vàng”, đất “kim cương” như phản ánh...” - ông Lương Hoài Nam nói.

Ngoài ra, diện tích đất dự kiến thanh toán cho dự án là toàn bộ diện tích giao cho nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ được khai thác một phần diện tích nói trên bởi còn phải dành đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải), công trình công cộng (trường học, bệnh viện, công trình thiết chế công) nhà đầu tư phải bàn giao cho thành phố. Cùng với đó, nhà đầu tư còn phải giải phóng mặt bằng...

Thực tế cho thấy, đối với các dự án BT, diện tích đất kinh doanh mà nhà đầu tư có thể giữ lại chỉ đạt trung bình 26% tổng diện tích được giao. Bên cạnh đó, việc thực hiện thanh toán cho dự án BT phải đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Trường hợp quỹ đất thanh toán còn dư, UBND TP đã chỉ đạo thu hồi để sử dụng vào mục đích chung của TP (không áp dụng phương thức nhà đầu tư nộp tiền chênh lệch).

Dự án BT giao thông đang mất dần sức hút

Tại Hà Nội, nếu như trước đây, các dự án theo hình thức BT rất được nhà đầu tư quan tâm thì hiện nay, sức hấp dẫn đã giảm rất nhiều do nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro và tỷ suất lợi nhuận không như mong muốn.

Một lý do quan trọng là do quỹ đất đối ứng của thành phố Hà Nội đang rất khó khăn, chủ yếu nằm ở các khu vực ở xa trung tâm. Trong khi đó, thị trường bất động sản lại đang trong giai đoạn bão hòa. Giá thị trường của bất động sản tăng thì nhà đầu tư mới có lãi, ngược lại, nếu giá bất động sản đi xuống thì việc phải chi trả lãi vay đã là một gánh nặng với nhà đầu tư, khả năng bị lỗ hiện hữu.

Theo nhà đầu tư một dự án BT, do quy trình thẩm định và phê duyệt các dự án BT giao thông hiện nay rất chặt chẽ nên thường tốn thời gian chuẩn bị, thậm chí kéo dài hàng năm nên cơ hội giảm đi rõ rệt trong khi rủi ro tăng lên. Mặt khác, từ khi dự án được phê duyệt đến khi phải hoàn thành thường đòi hỏi thời gian ngắn, buộc chủ đầu tư phải có nguồn vốn lớn nên không phải nhà đầu tư nào cũng đủ sức thực hiện dự án…