Thanh tra 7 dự án BT tại Hà Nội, yêu cầu giảm trừ quyết toán hàng trăm tỷ đồng

ANTD.VN - Qua thanh tra 7 dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm và yêu cầu giảm trừ quyết toán hàng trăm tỷ đồng do dự toán không đúng hoặc để đội vốn lớn…

Thanh tra 7 dự án BT tại Hà Nội, yêu cầu giảm trừ quyết toán hàng trăm tỷ đồng ảnh 1Nút giao thông trung tâm quận Long Biên (Hà Nội) là 1 trong 7 dự án BT được thanh tra đợt này

Hôm qua, 19-7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh- chuyển giao) trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó tập trung kiểm tra 7 dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Giai đoạn thanh tra từ năm 2008 đến 2012.

7 dự án được tập trung thanh tra gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; Dự án nút giao thông Long Biên; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.

Kết luận thanh tra cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai các dự án BT, BOT cũng đã bộc lộ ra không ít hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. Chẳng hạn như: Quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư của UBND TP Hà Nội không chính xác; hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ; đặc biệt là tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT được phê duyệt chưa chính xác, làm tăng tổng vốn đầu tư của dự án lên hàng trăm tỷ đồng…

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: ở dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT lên hơn 19,5 tỷ đồng.

Tương tự, dự án xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An bị đội vốn trên 12 tỷ đồng so với tổng vốn phê duyệt; dự án nút giao thông Long Biên bị đội vốn trên 34 tỷ đồng do phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác; hay dự án đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên do tính sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh gần 14,5 tỷ đồng…

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị loại khỏi giá trị dự toán quyết toán đối với khoản hỗ trợ bồi thường GPMB ngoài phương án đền bù số tiền trên 20,6 tỷ đồng/ 731 hộ của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Đối với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5) nộp ngay vào ngân sách Nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng là giá trị chênh lệch của toàn bộ hợp đồng BT đối trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án khác.

Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền trên 19,5 tỷ đồng. Cùng đó, khi thanh toán hợp đồng BT, yêu cầu nhà đầu tư phải tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước số tiền sử dụng đất trên 11,2 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.

Đối với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền trên 12 tỷ đồng. Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh số tiền trên 10 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền trên 34 tỷ đồng…