Đột kích kho hàng lậu

ANTĐ - Một kho chứa hàng nhập lậu vừa bị CAP Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phát hiện nằm sâu trong ngõ 162, đường Khương Đình. Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ một số lượng lớn hàng điện tử do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

CAP Hạ Đình lập biên bản tạm giữ hàng hóa trong kho của Nguyễn Văn Đức

Sáng 22-7, công tác kiểm đếm, lập biên bản thu giữ hàng hóa vi phạm vẫn được CAP Hạ Đình phối hợp với Cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân triển khai. Qua công tác trinh sát, giữa tháng 7-2012, CAP Hạ Đình phát hiện tại đầu ngõ 162 đường Khương Đình, xuất hiện một số đối tượng vận chuyển nhiều bao hàng nghi vấn vào sâu trong ngõ.

Tập trung xác minh, CAP Hạ Đình phát hiện những thùng hàng bên ngoài được bọc bằng hộp giấy carton, bên trong chứa toàn thiết bị âm thanh điện tử do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng này đều được vận chuyển bằng xe ô tô vận tải hạng nhẹ và điểm đến của nó là kho hàng số 4, ngách 162/24 đường Khương Đình do Nguyễn Văn Đức, SN 1981, trú tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) làm chủ.

Tập trung xác minh, theo dõi, CAP Hạ Đình nắm được những mặt hàng thiết bị âm thanh điện tử nhập vào kho của Đức chủ yếu là của nước ngoài sản xuất và không có hóa đơn, chứng từ. 10h30 ngày 19-7, CAP Hạ Đình bất ngờ kiểm tra kho hàng số 4 do Đức làm chủ, đã phát hiện bên trong có 112 hộp loa và 63 hộp micro các loại, đa số hàng hóa trên đều do Trung Quốc sản xuất và không có giấy tờ gì chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyễn Văn Đức khai đã mua số hàng điện tử trôi nổi trên thị trường để bán lại cho những người có nhu cầu. Trị giá số hàng lậu trong kho của Đức khoảng 170 triệu đồng. Theo Trung tá Nguyễn Văn Phong, Trưởng CAP Hạ Đình, hàng hóa trong kho của Đức đều không được kiểm định chất lượng và không có đơn vị nào bảo hành sản phẩm. Hầu hết những loại mặt hàng này đều được tuồn vào các siêu thị điện máy bán với giá rẻ, hoặc sử dụng làm hàng khuyến mại. 

CAP Hạ Đình kiểm tra hàng hóa nhập lậu thu tại kho của Nguyễn Văn Đức

Đồng tình với ý kiến của Trung tá Nguyễn Văn Phong, một số cán bộ quản lý thị trường cũng đánh giá có tới 60% loại hàng hóa này xuất hiện tại các siêu thị, hoặc cửa hàng mua bán thiết bị âm thanh điện tử trên thị trường. Tâm lý của người tiêu dùng thường ham rẻ và thích có được sản phẩm khuyến mại, nên những loại hàng hóa kém chất lượng và không được bảo hành này dễ được tiêu thụ hơn dưới hình thức đó. Do vậy, nhiều cá nhân và tập thể kinh doanh đồ điện tử gia dụng, đặc biệt là thiết bị âm thanh thường dùng “chiêu” mua hàng điện tử trôi nổi do Trung Quốc sản xuất, rồi “đấu” vào hàng “xịn” để qua mặt người tiêu dùng. Từ vụ việc này cảnh báo mọi người dân đừng ham rẻ mà mua những mặt hàng thiết bị điện tử kém chất lượng, sẽ không đảm bảo được quyền lợi dẫn đến tiền mất tật mang.