Đồng tiền chung của khối BRICS không dễ phá bỏ thế thống trị của USD?

ANTD.VN - Đồng tiền chung khối BRICS nếu được tạo ra có lẽ cũng không thể thách thức vị thế thống trị của USD, ít nhất là trong ngắn hạn.

USD với vị thế đồng tiền dự trữ duy nhất của thế giới đang bị đe doạ bởi dự án của khối BRICS, nhằm tạo ra một đồng tiền chung để sử dụng nội khối và tiếp theo là vươn ra toàn cầu.

Cụ thể, nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang cố gắng thu hút thêm những nước ủng hộ.

Tuy vậy theo nhà báo người Anh Marcus Ashworth trong một bài phân tích đăng trên tờ Bloomberg, thì nỗ lực tạo ra đồng tiền chung nhằm hạ bệ được USD không dễ dàng.

Tuần trước, các ngoại trưởng BRICS đã tập trung tại Cape Town, Nam Phi, cùng với đại diện của một số quốc gia khác như Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kazakhstan.

Đó là "màn khởi động" cho sự kiện chính, khi các nguyên thủ quốc gia sẽ gặp nhau tại Johannesburg vào cuối tháng 8/2023 (địa điểm có thể thay đổi) để "ra đòn quyết định".

"Mục tiêu rõ ràng là nhằm lật đổ trật tự của USD, đồng tiền dự trữ vốn dựa trên các quy tắc được thiết lập sau Thế chiến thứ hai", nhà báo Ashworth viết.

Tác động của liên minh BRICS có thể là đáng kể, bởi vì 42% dân số thế giới sống trong nhóm này. Nhưng trong kinh tế thế giới, liên minh chỉ chiếm 23% GDP và 18% thương mại toàn cầu.

Theo dữ liệu mở, hiện tại đồng đô la được sử dụng cho 42% giao dịch ngoại hối. Tỷ trọng của đồng euro là 32%, nhưng nó không có ảnh hưởng quá lớn bên ngoài châu Âu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm khoảng 2%, việc sử dụng nó không chiếm khối lượng đáng kể ngay cả ở châu Á, hoặc bên ngoài Đại lục, cũng như Hồng Kông hay Macao.

Yếu tố xác định của đồng tiền dự trữ là nó được sử dụng nhiều thứ hai cho các giao dịch trong nước. Đồng USD cho đến nay là phương thức trao đổi được sử dụng nhiều nhất trên thế giới sau tiền tệ riêng của mỗi quốc gia, thậm chí đôi khi vượt qua tiền tệ quốc gia.

Hầu hết mọi hàng hóa, kể cả dầu và vàng, đều được giao dịch bằng USD. Ngay cả tiền điện tử cũng được liên kết gần như độc quyền với USD. Điều cũng quan trọng đối với một loại tiền dự trữ là việc sử dụng nó như một kho lưu trữ đủ giá trị.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng 59% dự trữ ngân hàng trung ương toàn cầu là bằng USD, trong đó 20% là bằng euro và chỉ 5% là bằng nhân dân tệ.

Không quốc gia nào trong số những nước riêng lẻ thuộc khối BRICS, cũng như tất cả liên kết cùng nhau, có thể tạo ra một loại tiền tệ thay thế mang đậm tính "phép thuật" trong thời gian ngắn.

Sự thống trị của đồng USD có thể gây mệt mỏi, nhàm chán nhưng hiện chưa có sự thay thế nào khác, thậm chí gần gũi về ý nghĩa và tầm quan trọng. Do vậy đồng tiền chung mà khối BRICS tạo ra sẽ không cạnh tranh với đô la Mỹ.

"Bạn hiện rất chán nản với USD, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động. Cố gắng vượt qua USD là tham vọng vô ích, ít nhất vào thời điểm này", chuyên gia Marcus Ashworth kết luận.