"Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được những con số đáng kinh ngạc về tình hình ở Nga sau khi Moskva hứng chịu các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt", hai nhà phân tích chính trị Na Uy Berit Lindeman và Ivar Dale cho biết.
Như đã biết, tập thể các nước phương Tây đã áp đặt vô số biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ đối với Moskva từ mùa đông năm ngoái, nhằm vào từng công dân và toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga.
Trong những tháng tiếp theo, chế độ trừng phạt đã được mở rộng, bao gồm cả những hạn chế đối với xuất khẩu năng lượng - ngành kinh tế chủ đạo, giữ vị trí đầu tàu của Nga.
Theo các nhà phân tích người Na Uy, EU và Mỹ muốn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng rõ ràng là những bước đi của họ đang thất bại. Nhận định này được đưa ra trong một bài viết đăng trên ấn phẩm Al Jazeera.
Các chuyên gia bình luận trên tờ Al Jazeera: “Mặc dù các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đã được đưa ra và Brussels cam kết tuân thủ bước đi đó, nhưng một số nhà quan sát cho rằng chúng đã thất bại".
Nền kinh tế Nga hóa ra kiên cường hơn nhiều trước áp lực bên ngoài so với suy nghĩ ban đầu. Hơn nữa, hàng hóa trong diện bị trừng phạt vẫn tiếp tục đến với nước Nga.
Cách đây một thời gian, một báo cáo của công ty tư vấn Corisk đã được trình bày, trong đó chứa đựng những con số cực kỳ thú vị, thậm chí khiến nhiều chính trị gia phương Tây cảm thấy "ngã ngửa".
Một phân tích dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Na Uy, Vương quốc Anh, Mỹ và Nhật Bản cho thấy rằng họ đã bỏ qua các lệnh trừng phạt và xuất khẩu hàng hóa trị giá 8,5 tỷ USD đến Liên bang Nga.
Theo các nhà phân tích của tờ Al Jazeera, quy mô của những con số này thật đáng kinh ngạc, cho thấy rằng giữa lý thuyết và thực tế khác nhau rất xa, cho dù đó là Nga tìm cách "lách luật" hay phương Tây chủ động "xé rào".
“Đức dường như là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga. Tiếp theo là Litva. Hai quốc gia này cung cấp một nửa số hàng hóa phương Tây mà lẽ ra Moskva không được phép tiếp cận”, hai nhà báo Berit Lindeman và Ivar Dale thông tin.
Các doanh nghiệp châu Âu được cho là bán hàng hóa của họ sang Nga thông qua những nước thứ ba, mặt hàng bao gồm chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao tiên tiến, máy móc và thiết bị vận tải.
Gần một nửa số hàng xuất khẩu theo dạng như vậy được đưa qua Kazakhstan, trong khi phần còn lại được chia sẻ giữa Georgia, Armenia, Kyrgyzstan và một vài quốc gia khác.
“Litva cũng xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt sang Nga, nhưng bằng một con đường khác - qua Belarus… Vilnius dường như đã tăng doanh số bán ô tô cho nước láng giềng lên gấp 10 lần”, các tác giả của bài viết trên trang Al Jazeera chia sẻ.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng Liên minh châu Âu đang chuẩn bị thông qua gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, khác với những lần trước, lần này EU tập trung vào việc không để Nga có cơ hội "lách" lệnh hạn chế.