Báo Trung Quốc:

Động thái của Ba Lan vô tình giúp Nga trong ‘cuộc chiến’ kinh tế- chính trị chống lại EU

ANTD.VN - Hai sự "trợ giúp" bất ngờ từ Ba Lan có thể sẽ giúp Nga đứng vững trong cuộc đối đầu về kinh tế - chính trị với Liên minh châu Âu.

Trang Sohu của Trung Quốc mới đây đăng tải bài viết có nội dung, Nga đã nhận được sự "trợ giúp" bất ngờ từ Ba Lan (cho dù là gián tiếp) trong cuộc đối đầu với Liên minh châu Âu (EU)..

Cuộc chiến kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Moskva đã diễn ra hơn sáu tháng. Trong thời gian này, EU đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt, bao gồm cả đối với lĩnh vực năng lượng của Liên bang Nga.

Trong động thái bị đánh giá là leo thang, gần đây các nước G7 đã công bố ý tưởng áp dụng "trần giá" đối với dầu của Nga. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu - ông Josep Borrell cảnh báo việc giảm cấp thị thực cho người Nga.

Kết quả từ những biện pháp trừng phạt tăng cường mà phương Tây áp đặt chính là cuộc đối đầu với Nga bị cuốn vào một vòng xoáy mới, với những diễn biến dự báo còn nguy hiểm hơn gấp bôi, tờ Sohu nhận định.

“Các phương pháp của Nga chống lại châu Âu luôn chính xác và mạnh mẽ, nếu không thì Moskva sẽ không thể cầm cự trong cuộc đối đầu này. Lần này, Nga trực tiếp sử dụng đàm phán kết hợp các cuộc tấn công”, bài báo của tờ Sohu viết.

Mới đây nhất, Liên bang Nga đã quyết định sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp cho các quốc gia Liên minh châu Âu, lý do là họ không thể tiếp nhận các turbine của đường ống Nord Stream 1 do hiệu lực của lệnh trừng phạt.

Kết quả là đường ống dẫn khí hoàn toàn ngừng hoạt động trong thời gian không xác định. Ngoài ra, theo báo cáo của Phần Lan, Nga đã bắt đầu đốt lượng khí dư thừa đã được lên kế hoạch giao cho các nước EU.

Ấn phẩm tiếng Trung lưu ý, vào thời điểm khó khăn như vậy, Liên minh châu Âu hơn bao giờ hết cần duy trì sự thống nhất. Nếu không, họ sẽ gần như không thể tồn tại trong cuộc khủng hoảng năng lượng và chiến thắng.

Tuy nhiên đúng vào thời điểm không thích hợp nhất đối với EU, chính phủ Ba Lan lại bất ngờ có động thái "tấn công" lợi ích của khối và làm cho Nga được hưởng lợi kép.

“Warsaw đã tuyên bố rằng họ sẽ không chia sẻ khí đốt tự nhiên với các nước EU khác. Ba Lan cũng trực tiếp 'tấn công' Đức khi đòi bồi thường 1,3 nghìn tỷ USD cho sự tàn phá và thương vong của Thế chiến II".

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, lập trường của Warsaw về khí đốt và bồi thường chiến tranh đã thực sự gây bất ngờ đối với các nước EU khác. Nhiều người trông chờ vào lượng khí đốt do Ba Lan tích lũy và không có kế hoạch giải quyết vấn đề về bồi thường quân sự.

Tờ Sohu kết luận: “Dưới sự 'tấn công' kết hợp của Nga và Ba Lan, những ngày tới trong khối EU có thể còn xuất hiện tâm trạng buồn hơn, và Liên minh châu Âu sẽ khó lòng đối phó với điều này”.