Đồng minh thân thiết của Nga tại châu Âu bất ngờ loại tiêm kích MiG-29 để chọn Rafale

ANTD.VN - Chính quyền Belgrade đã hủy kế hoạch mua tiêm kích MiG-29 do Nga sản xuất, thông tin này gây bất ngờ rất lớn.

Serbia hiện vận hành 11 tiêm kích MiG-29 từ thời Liên Xô, Belgrade từng muốn tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng không quân của mình thông qua những chiếc MiG-29 thế hệ mới do Nga chế tạo.

Tuy nhiên kế hoạch trên đã bị hủy bỏ, khi Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic tuyên bố việc bảo dưỡng MiG-29 đã trở nên bất khả thi. Những lệnh cấm vận trên thực tế ngăn cản hầu hết mọi sản phẩm quân sự được mua từ Nga.

Vì lý do này, ông Vucic cho biết Belgrade đang hướng tới một giải pháp thay thế khác. Tổng thống Serbia tin rằng máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp là lựa chọn tốt nhất. Do đó, nước này sẽ gửi thư yêu cầu [LoR] tới Pháp.

Chiến đấu cơ của Pháp là lựa chọn ưu tiên thay vì tiêm kích Mỹ, Serbia do có xung đột lịch sử với Washington cho nên ở giai đoạn này họ không thể yêu cầu mua máy bay do Mỹ sản xuất.

Trong khi đó Rafale là chủ lực của hàng không Pháp, được giới thiệu lần đầu cách đây hơn 22 năm, chiếc tiêm kích này đang bảo vệ bầu trời Croatia, Pháp, Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp, Indonesia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vẫn chưa có thông tin về việc Serbia có yêu cầu bán máy bay kèm vũ khí hay không. Có thể nói sự lựa chọn của Belgrade vào thời điểm này là rất đúng đắn, khi họ sẽ nhận cơ hội mua và tích hợp loại tên lửa không đối không tốt nhất thế giới - Meteor.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp có thể được phát triển ở phiên bản một hoặc hai chỗ ngồi. Bên cạnh biến thể cất hạ cánh thông thường thì chiếc tiêm kích này còn có phiên bản Rafale-M để triển khai trên tàu sân bay.

Chiếc Rafale được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Snecma M88-4e với lực đẩy khô 50,04 kN mỗi chiếc, hoặc 75 kN khi bật chế độ đốt sau. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa gần 2.000 km/h, tốc độ hành trình siêu âm của nó là Mach 1,4.

Rafale có phạm vi chiến đấu 1.850 km. Giới hạn chịu quá tải của chiếc tiêm kích này nằm trong khoảng +9G cho tới -3,6G (chỉ số này có thể lên tới +11G trong trường hợp khẩn cấp).

Máy bay được trang bị một khẩu pháo tự động GIAT 30/M791 cỡ 30 mm với 125 viên đạn. Ngoài tên lửa Meteor, khả năng không chiến của Rafale còn được cung cấp bởi tên lửa MBDA MICA-EM và Magic II.

Không thể đánh giá thấp khả năng tấn công mục tiêu mặt đất của máy bay, khi nó có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa MBDA Storm Shadow/SCALP-EG và MBDA Apache - đây là những vũ khí đáng sợ hàng đầu thế giới hiện nay.

Rafale là một trong số ít máy bay chiến đấu có thể mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, đó là loại ASMP-A, mặc dù tính năng này chắc chắn sẽ bị cắt bỏ trước khi giao hàng cho Belgrade.

Việc Serbia quan tâm đến tiêm kích Rafale có thể được coi là một đòn giáng mạnh khác vào hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga trong 12 tháng qua, đặc biệt khi nước này vẫn được xem là đồng minh quan trọng của Moskva tại khu vực Balkan.

Không có thông tin chính xác về khả năng chiến đấu hiện tại của phi đội tiêm kích MiG-29 Serbia, nhưng tính năng kỹ chiến thuật của chúng rõ ràng thua kém rất xa chiếc Rafale.

Lần đầu tiên Serbia nói về việc mua máy bay chiến đấu mới vào tháng 9 năm ngoái. Sau đó, những tin đồn đầu tiên gợi ý sự lựa chọn giữa MiG-35 của Nga hoặc JF-17 của Trung Quốc, nhưng cuối cùng Rafale đã vượt lên trước.