Dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 huyền thoại của Nga

ANTD.VN - Khả năng tác chiến đa dạng, độ cơ động cao, cùng với đó là khả năng mở để nâng cấp, MiG-29 là một trong những tiêm kích hạng nhẹ được ưa chuộng nhất thế giới. 
Được phát triển vào thập niên 1970 bởi hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan, MiG-29 có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1977 và biên chế chính thức vào năm 1982.
Mục đích của việc phát triển chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 là nhằm đối phó với các dòng tiêm kích hạng nhẹ đến từ Mỹ và phương Tây.
Là tiêm kích thế hệ thứ 4, MiG-29 tuy không thể so sánh với thế hệ máy bay thế hệ 4+ sau này, tuy nhiên thời điểm chúng ra đời, đây được coi là một trong những dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ mạnh mẽ.
Do tối ưu hóa trọng lượng để cơ động, nên MiG-29 có khả năng chứa nhiên liệu hạn chế và không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Từ đó dẫn tới tầm bay tối đa của MiG-29 cũng không đạt tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa.
Ngoài ra, hệ thống radar của tiêm kích này không thực sự ổn định trong việc phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu không thực sự hiệu quả bằng dòng Su-27 hạng nặng được phát triển cùng thời.
Tuy nhiên, bù lại MiG-29 với thiết kế thân vỏ đặc thù lại có độ cơ động đáng ngạc nhiên, nhờ vào sự kết hợp khả năng khí động học tiên tiến với một hệ thống điều khiển cơ học truyền thống.
Với tốc độ quay tức thời 28°/giây, MiG-29 có thể di chuyển linh hoạt theo phương đứng và phương ngang, hay thực hiện thao tác “quay đuôi” một cách dễ dàng.
Một ưu điểm khác khiến cho MiG-29 được ưa chuộng là chi phí hoạt động và bảo dưỡng khá rẻ so với các đối thủ.
Bên cạnh đó, tiêm kích MiG-29 lại có khả năng cất cánh dễ dàng ở những đường băng dã chiến.
Tiêm kích MiG-29 có những đặc tính cho phép chiến đấu cơ này thực hiện các động tác cơ động trên không mà các chiến đấu cơ thế hệ cũ không thể thực hiện được.
Tại Triển lãm Hàng không Farnborough tại Anh năm 1988, các phi công MiG-29 thực hiện động tác bay "quả chuông" vốn chưa từng được bất cứ máy bay phản lực nào thực hiện.
Khi MiG-29 bay thẳng lên trên tới thời điểm nhất định, vận tốc sẽ về không và chiến đấu cơ này bất động trong vài giây.
Trong những năm 1980, các phi công được cho là tìm cách điều khiển MiG-29 bay theo hình xoáy trôn ốc nhưng từ bỏ động tác bay này bởi động tác này cực kỳ nguy hiểm.
Tại Triển lãm hàng không Hoàng gia ở Anh năm 2015, màn cất cánh gần như thẳng đứng của tiêm kích MiG-29 khiến khán giả choáng ngợp.
Về thiết kế, MiG-29 có đường nét khí động học tương tự Su-27, nhưng vẫn có những điểm khác biệt.
Máy bay được chế tạo với khối lượng lớn nhôm và vật liệu composite.
MIG-29 có cánh xuôi sau đặt giữa thân với kết hợp gốc diềm cánh trước tạo góc 40 độ, 2 cánh đuôi ngang thăng bằng xuôi sau và 2 cánh phụ thẳng đứng ở đuôi, phía trên 2 động cơ.
Trên bộ phận lái ở đuôi, có những cánh tà và cánh chỉnh liệng ở đầu cánh.
Về kích thước, chiến đấu cơ MiG-29 có chiều dài 17,3 m, sải cánh 11,4m, cao 4,73m, trọng lượng cất cánh tối đa 16,8 tấn.
MiG-29 được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov RD-33 với công suất 50kN/động cơ và 83,5kN/động cơ khi đốt nhiên liệu phụ.
Với hai động cơ này giúp máy bay có tốc độ tối đa lên tới 2.400 km/h (gấp 2,25 lần tốc độ âm thanh), trần bay 18.000 m, tầm bay 1.430 km.
Khoảng không gian giữa 2 động cơ sinh ra lực nâng, do đó giảm đáng kể lực tác dụng lên cánh, từ đó nâng cao khả năng cơ động.
MiG-29 có thể chứa 4.365 lít nhiên liệu trong 6 thùng chứa thân và cánh, ngoài ra còn có thể mang thêm 1.500 lít trong thùng nhiên liệu phụ khi cần thiết.
Về trang bị vũ khí, Mẫu MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng nhiên liệu, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí, những biến thể nâng cấp sau này có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn hơn.
Các vũ khí trang bị bao gồm các tên lửa đối không, R-60, R-27 và R-73 cũng như nhiều loại bom và rocket.

MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích mới của Hoa Kỳ như F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet.

Tới nay, đã có khoảng 1.600 chiếc được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Nga vẫn là nước sở hữu nhiều chiến đấu cơ MiG-29 nhất với 270 chiếc MiG-29 trong biên chế không quân, trong khi hải quân nước này biên chế 40 chiếc.

Hiện phiên bản mới nhất và mạnh nhất được Nga phát triển là MiG-29SMT cho không quân và MiG-29K cho hải quân.