Dòng chảy phương Bắc 2: Châu Âu giằng xé giữa lợi ích kinh tế và ý chí chính trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  "Dòng chảy phương Bắc 2" đã thể hiện rõ những đặc trưng của cuộc đấu khốc liệt giữa lợi ích kinh tế của đất nước với ý chí chính trị của giới lãnh đạo các nước châu Âu.

Anh, Ukraine, Ba Lan kêu gọi tẩy chay Nord Stream 2

Trong hai ngày 11 và 12/12, các cuộc đàm phán đang được diễn ra tại Liverpool-Anh giữa các ngoại trưởng của các nước G7 (Anh, Đức, Ý, Canada, Pháp, Nhật Bản, Mỹ). Một trong những chủ đề chính của hội nghị là sự hiện diện của số lượng lớn binh lực Nga gần biên giới Ukraine.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss nói rằng, các nước G7 phải cùng nhau chiến đấu chống "những kẻ xâm lược phá hoại tự do", bao hàm cả chính sách của Nga đối với Ukraine.

Dù Nga liên tục phủ nhận thông tin đồn thổi, song theo bà Liz Truss, London đang nghiêm túc xem xét khả năng Moscow xâm lược lãnh thổ Ukraine và phương Tây cần hợp lực đề ra các biện pháp ngăn chặn tổng hợp đối với Nga, từ các biện pháp chính trị như bao vây, trừng phạt hay biện pháp quân sự như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine hoặc các biện pháp kinh tế như ngắt Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT); ngăn chặn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Hãng tin Mỹ AP (Associated Press) cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Anh hôm 12-12 đã lên tiếng kêu gọi đồng minh tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga. Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng, London và các đối tác cần từ chối mua khí đốt của Nga "để duy trì sự độc lập của mình".

Nord Stream 2 cho đến nay vẫn chưa được cấp phép vận hành

Nord Stream 2 cho đến nay vẫn chưa được cấp phép vận hành

“Các quốc gia thuộc thế giới tự do đã đưa ra quyết định ngắn hạn để có được các nguồn năng lượng rẻ, tài chính hợp lý. Tuy nhiên, những bước đi như vậy về lâu dài sẽ làm tổn hại đến tự do và dân chủ. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm này một lần nữa” - Ngoại trưởng Anh nói.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng đã thuyết phục tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, "Dòng chảy phương Bắc - 2" được cho là nguy hiểm đối với Liên minh châu Âu và kêu gọi Berlin và EU không khuất phục trước sức ép của Nga, cũng như không được để cho Nord Stream 2 trở thành “công cụ dọa dẫm” Ukraine, Ba Lan và EU.

Ông cũng nói thêm rằng, Đức đã cam kết là nếu căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine, chính quyền Berlin sẽ xem xét loại Nord Stream 2 ra khỏi diện được phép hoạt động điều hành.

Hungary, Serbia: Mua khí đốt Nga có lợi cho đất nước

Mặc dù Anh, Ba Lan hay Ukraine vẫn quyết liệt phản đối việc cho phép Nord Stream 2 đi vào vận hành, nhưng cũng có những nước châu Âu vui sướng khi mua được khí đốt giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn, mà không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào của Nga.

Vừa qua, hàng loạt quốc gia như Hungary hay Serbia đã ký mới hoặc gia hạn các hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga. Các nước này thường thỏa thuận mua khí đốt từ 10-15 năm với mức giá cố định trong khoảng thời gian ngắn và ưu tiên đàm phán lại mức giá theo định kỳ.

Mức giá mà các nước này phải trả theo hợp đồng dài hạn được cho là thấp hơn từ 3,5-4 lần so với giá khí đốt trong thị trường giao ngay hiện nay. Ví dụ như vừa qua Tổng thống Serbia Aleksandr Vucic đã hồ hởi thông báo về giá khí đốt “rất dễ chịu” mua từ Nga, sau cuộc hội đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Theo người đứng đầu nước cộng hòa Balkan cho biết, Serbia sẽ nhận được khí đốt trong sáu tháng tới với giá 270 USD/1000 mét khối; trong khi đó giá thị trường hiện nay đang dao động trong khoảng 900-1000 USD/1000 mét khối, thậm chí có lúc đã lên đến mức đỉnh điểm 2000 USD.

Với mức sử dụng khoảng 4 tỷ mét khối mỗi năm, hợp đồng với Nga đã giúp đất nước tiết kiệm được rất nhiều tiền, trong khi lại có nguồn cung cấp ổn định, không kèm theo bất cứ điều kiện nào.

Như vậy, nếu Nord Stream 2 được cấp phép vận hành, một lượng khí lớn lên tới 55 tỷ mét khối mỗi năm sẽ được cung cấp tới Đức, giải được cơn khát năng lượng cho EU, giúp người dân các nước châu Âu chống chọi với mùa đông giá rét, còn Liên minh châu Âu bảo đảm được an ninh năng lượng.

Giới quan chức Nga cũng nhiều lần tuyên bố phương Tây đang “chính trị hóa” các dự án kinh tế. Từ thời “Chiến tranh lạnh” đến nay, nguồn cung cấp của Liên Xô và sau này là Nga đều là “Dòng khí phi chính trị”, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho châu Âu trong nửa thế kỷ qua.