Mười một cuộc ấy là đa nguyên về thái độ và đa nguyên về lợi ích. Dù cho ai đó định phóng đại lên hoặc định ví như mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông tôi chả tin. Một dân tộc mà mỗi người dân trải qua trăm năm chia cắt, ngót nghét trăm năm chiến tranh không chấp nhận hỗn loạn hay rối tung rối mù cả lên.
Cảm hứng lớn lao là phải thể hiện một cái gì đó với những cái đầu nóng, muốn ăn sống nuốt tươi dân tộc này khi nó chưa nhận ra tính chất thời đại là cái gì, mà người Hà Nội, người Tp. Hồ Chí Minh tụ tập, mà biểu tình, mà tuần hành thế thôi.
Cảm hứng riêng tư thì có nhiều. Cảm hứng phải đổi mới và đổi mới nhiều hơn nữa cũng là con số nhiều.
“No đường lưỡi bò”
“No hỗn loạn”
Bởi vì hỗn loạn thì bò sẽ liếm mặt. Một thứ mắm muối, cay cay, chua chua chả có ý nghĩa gì cả.
Đấy là nhận xét hay là cảm hứng của riêng người viết bài này về mười một cuộc.
Còn lý do chính yếu, cảm hứng chính yếu để viết bài này là cuộc đối thoại của Đảng và chính quyền Hà Nội với nhân sĩ trí thức, mà người đứng đầu là Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị.
Tôi chia sẻ và hiểu được điều đó chính là phong cách phải có trong thời đại thông tin của người quản lý, và là ông chủ tịch phường, bí thư phường, hay là gì gì đi chăng nữa.
Và cũng xin nói thêm đấy cũng là cảm hứng của người viết bài này vào lúc dầu thì sôi, lửa thì bỏng với dân tộc ta, đất nước ta.
Thế còn bây giờ, tôi chiêm nghiệm một điều, có thể là chưa đúng, có thể là có thể đúng, sau khi đọc bài “Ứng xử thế nào với thời đại thông tin” của Quang Anh.
Bài viết của Quang Anh có thể gây ra nhiều tranh cãi hoặc la lối om sòm chửi bới thậm tệ. Hiện tượng ấy chả có gì lạ trong thời đại thông tin.
Nếu phải mắng mỏ Quang Anh, tôi cũng có thể mắng mỏ. Những dòng sau đây là sự chia sẻ. Tuổi của Quang Anh là mấy tôi cũng không thể biết. Nhưng tôi có quyền chia sẻ.
Thời đại thông tin là một cuộc cách mạng vô cùng to lớn, vô cùng triệt để. Nó có thể mang họa, cũng có thể mang lại hạnh phúc nếu ai đó biết chủ động về thông tin trên nền tảng của lẽ phải.
Tôi hoàn toàn đồng tình. Chỉ xin bàn thêm với Quang Anh vài ý kiến nhỏ sau đây, mà trong bài viết Quang Anh chưa bàn tới. Đó là chỉ có đối thoại và dám đối thoại mới làm chủ được thông tin. Cố nhiên trên cái căn bản phải là có lẽ phải, thuộc về lẽ phải.
Đối thoại là thế nào nhỉ? Xin mạn phép nhắc lại lời của ông bà, tổ tiên ta. Đối thoại là: Người nói phải có người nghe (chứ không phải không muốn nghe thì quên đâu nhé).
Đối thoại là: Trông mặt mà đặt hình dong. Nghĩa là mặt đối mặt (chứ không phải người thì đứng giữa ánh sáng, người thì trong bóng tối). Ít ra thì cũng phải gỡ bỏ tấm mạng che mặt để còn nhìn cho rõ mặt nàng dâu tương lai. Cái yêu thương hay cái phải dứt khoát từ bỏ ....
Đối thoại khi con người có chữ viết thì phải anh viết kiểu này phải cho tôi viết kiểu kia. Các trang blog các nhân bây giờ hình như là sự đối thoại từ khi con người có chữ viết ấy. Chỉ khác là nó được các phương tiện văn minh chuyển tải. Anh có ti vi thì tôi cũng được tinh vi một chút chứ. Người thì có, người thì không, tuyệt nhiên không phải là đối thoại.
Tất cả những thứ rau muống kể trên tôi chỉ muốn phán đoán rằng: Một người tử tế, một chính khách chân chính là người có phẩm chất đối thoại và dám đối thoại.
Đối thoại ít ra làm giảm thiểu sự không hiểu nhau. Làm giảm thiểu sự bức xúc không đáng có.
Làm tăng thêm sự đồng thuận. Làm cho trắng ra trắng đen ra đen.
Làm cho trần trụi cái xấu xa, trần trụi cái lẽ phải ...
Đối thoại nhất định sẽ làm cho cái đa số dù ồn ào hay thầm lặng sẽ tâm phục khẩu phục, sẽ đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công. Hội nghị Diên Hồng là mẫu mực của loại hình đối thoại phải không Quang Anh. Cho dù lúc đó chưa phải là thời đại thông tin.