Doanh nhân ẩn danh quyên góp 30 triệu USD ủng hộ nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

ANTD.VN -  Một doanh nhân gốc Pakistan sống ở Mỹ đã quyên góp 30 triệu USD để hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. 
Trước nghĩa cử của người đồng hương ẩn danh, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết ông “rất xúc động trước tấm gương này”.

Được biết, người doanh nhân ẩn danh này đã bước vào Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington D.C. (Mỹ) và quyên góp 30 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân chịu ảnh hưởng của trận động đất hôm 6/2.

“Đây chính là những hành động từ thiện vinh quang, giúp nhân loại đánh bại những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua”, ông Sharif nói.

Lòng tốt của vị doanh nhân Pakistan là một trong những tin tức lạc quan hiếm hoi trong bối cảnh thiệt hại do thảm họa này gây ra quá khủng khiếp.
Khoản quyên góp ẩn danh này cũng được đưa ra sau khi chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc kêu gọi quyên góp gấp 77 triệu USD.

Khoản tiền này nhằm cung cấp khẩu phần ăn cho ít nhất 590.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và 284.000 người ở Syria, đây là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất.

Số người chết trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên hơn 36.000, trong bối cảnh Ankara nỗ lực duy trì an ninh tại vùng chịu thảm họa.
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 31.643 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4.574 người chết ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ đầu tuần trước, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 36.217.
Lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia tiếp tục làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát và giải cứu được những trường hợp sống sót, được mô tả là "phép màu", bởi khoảng "thời gian vàng" 72 giờ sau thảm họa đã trôi qua.
Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, đặc biệt là Syria, lực lượng cứu hộ thiếu thiết bị tìm kiếm và cảm ứng hiện đại, buộc họ phải dùng xẻng hoặc tay để đào bới một cách thận trọng.
"Nếu có những thiết bị đó, chúng tôi đã có thể cứu được hàng trăm người, thậm chí nhiều hơn", chỉ huy lực lượng phòng vệ dân sự ở Jableh, tây bắc Syria, Alaa Moubarak nói.

Các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Syria chủ yếu là miền tây bắc, trong khu vực phe đối lập kiểm soát.

Giám đốc viện trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nói họ đã khiến người dân tây bắc Syria thất vọng khi cứu trợ còn gặp trở ngại, với duy nhất một cửa khẩu Bab al-Hawa còn hoạt động.
Bab al-Hawa là một trong số 4 cửa khẩu của Syria được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2014 chỉ định để vận chuyển hàng viện trợ cho nước này.
Ba cửa khẩu còn lại dừng hoạt động từ năm 2021, vì vấp phải sự phản đối từ một số thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.