Doanh nghiệp đang dừng đóng BHXH, người lao động đủ tuổi có được nghỉ hưu theo chế độ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này khiến nhiều người lao động băn khoăn: “Cá nhân đủ điều kiện nghỉ hưu trong thời điểm này được giải quyết chế độ ra sao? Quyền lợi người lao động có bị ảnh hưởng khi tạm dừng, giảm mức đóng BHXH”?

Khoản 3 Điều 7 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động.

Do đó, người sử dụng lao động cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để đóng bù riêng cho người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng để giải quyết chế độ cho người lao động.

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động 2019 quy định, từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi với nữ và đủ 62 tuổi với nam.

Trong thời điểm dịch bệnh, quyền lợi của người lao động, cán bộ hưu trí vẫn được đảm bảo (ảnh minh họa)

Trong thời điểm dịch bệnh, quyền lợi của người lao động, cán bộ hưu trí vẫn được đảm bảo (ảnh minh họa)

Về quyền lợi của người lao động khi tạm dừng, giảm mức đóng BHXH, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xuống còn 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (trước đây phải đóng 0,5% hoặc 0,3%).

Việc giảm mức đóng này được áp dụng trong thời gian 12 tháng (từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022). Theo đó, doanh nghiệp không cần phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian này.

Tuy vậy, người lao động vẫn được tính là đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bởi nếu có xảy ra tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian giảm mức đóng thì quỹ BHXH vẫn sẽ chi trả đầy đủ các quyền lợi tương ứng cho người lao động.

Có thể khẳng định, việc giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, người lao động còn được nhận thêm quyền lợi dó doanh nghiệp phải hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng bảo hiểm cho người lao động phòng chống Covid-19.

Với việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí, theo Nghị quyết 68 và Điều 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động mà bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian 6 tháng nếu có hồ sơ đề nghị.

Đặc biệt với doanh nghiệp đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP năm 2020 thì tổng thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất là không quá 12 tháng.

Trong khi đó, nếu thực hiện đóng bảo hiểm theo đúng quy định, mỗi tháng, người sử dụng lao động phải đóng 14% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí quyền lợi của người lao động sẽ không bị ảnh hưởng bởi sau khi hết thời gian tạm dừng, người sử dụng lao động phải đóng bù. Thậm chí, nếu hết thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động không đóng bù thì vừa phải đóng đủ tiền bảo hiểm, vừa phải nộp thêm tiền lãi chậm đóng.