Đô thị mới, tai nạn cũ

ANTĐ - Nhiều khu đô thị hiện nay đang hoạt động theo hình thức vừa thi công vừa sử dụng. Nếu không quan sát kỹ và làm chủ tốc độ, nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Lâu nay chúng ta thường tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa TNGT ở các tuyến phố nội đô, những đường quốc lộ mà dường như quên mất giao thông ở các khu đô thị mới cũng rất đáng báo động.
 

Miệng hố ga, cống mất nắp chình ình giữa ngã tư (Ảnh chụp tại khu đô thị mới Nam Trung Yên)

Tràn lan bẫy trên đường

Tại khu đô thị mới Nam Trung Yên, Cầu Giấy, tình trạng bát nháo, mạnh ai nấy đi diễn ra tràn lan. Bắt đầu từ ngã tư phố Trung Kính và đường Trung Yên 1 rẽ vào khu đô thị có một “đảo” giao thông chắn ngang giữa đường. Những bụi cây dại mọc cao lút đầu người ở đảo giao thông và 2 bên ven đường đã hạn chế tầm quan sát của người điều khiển phương tiện. Chưa hết, mặt đường gồ ghề đầy ổ gà, ổ “voi”. Anh Nguyễn Minh Hóa, nhà ở đầu khu đô thị mới này than thở, ngày nắng thì khói bụi còn mưa nước ngập lưng bánh xe máy. Đi sâu vào trong khu đô thị, hầu hết các điểm giao cắt giữa các tuyến đường không tên chưa được lắp đặt biển báo giao thông.

Đáng sợ hơn, hệ thống hố ga, cống bị mất nắp dày đặc 2 bên đường và trên vỉa hè. Có những ngã tư miệng cống thoát nước bị vỡ toác hoặc chưa được đơn vị thi công lắp đặt ngoác “miệng” chờ bánh xe người đi đường. Bác Trần Văn Minh, một người dân sống ở khu đô thị trên phản ánh: “Ban ngày đi trong khu đô thị đã sợ, buổi tối còn nguy hiểm hơn vì ngoài các tòa nhà chung cư, những tuyến đường trong khu đô thị tối om. Nhiều hôm nắng nóng muốn đưa đứa cháu nhỏ đi dạo cũng chịu vì chỉ sợ sa vào hố ga, cống mất nắp trên vỉa hè”.

Khác với đô thị Nam Trung Yên, khu đô thị Việt Hưng quận Long Biên, đường khá dễ đi. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều khu đô thị khác, hệ thống đường giao thông được thiết kế theo kiểu “bàn cờ” với rất nhiều khu nhà chia lô đã tạo ra hàng loạt các ngã tư, điểm giao cắt nhưng hệ thống biển báo rất ít. Ngoài ngã ba Quốc lộ 5-Việt Hưng có biển báo và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, ở những “cửa ngõ” ra vào khu đô thị, hầu như không thấy hệ thống này. Còn từ đầu phố Nguyễn Cảnh Dị vào khu đô thị mới Định Công quận Hoàng Mai, dù có biển báo quy định trọng tải xe được phép lưu thông trong khu đô thị mới nhưng tấm biển báo này cũng bị tán cây che khuất. Tại ngã tư Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Cảnh Thái, người tham gia giao thông phóng xe bạt mạng. Chị Phan Thị My sống tại đây kiến nghị, nếu không lắp đặt được đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư lớn thì cũng phải có hệ thống biển báo an toàn giao thông.

Phải tự cứu mình

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ-Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, nhiều khu đô thị hiện nay đang hoạt động theo hình thức vừa thi công vừa sử dụng. Hơn nữa, trong một khu đô thị có rất nhiều hạng mục, do nhiều nhà đầu tư khác nhau đảm nhiệm. Việc đồng nhất thời gian hoàn thiện các hạng mục phục vụ giao thông là rất khó khăn.

Trung tá Nguyễn Hồng Thái-Đội trưởng Đội CSGT số 4 cũng cho rằng: “Nguy cơ TNGT không chỉ xảy ra tại các tuyến đường giao cắt trong khu đô thị mà còn tiềm ẩn ở những đường ven, bao bọc bên ngoài”. Ví như đường Lê Đức Thọ dẫn vào khu đô thị mới Linh Đàm còn phải oằn mình chịu đựng hàng trăm lượt xe tải hạng nặng chở đất cát từ hồ Linh Đàm đi ra đường Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ngoài ra, các đường nhỏ từ khu đô thị nối ra đường vành đai 3 hiện nay hệ thống biển báo, gờ giảm tốc… cũng thiếu. Nếu không quan sát kỹ và làm chủ tốc độ, nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trung tá Trần Ngọc Ánh-Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT nhận định, tâm lý chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu của một số bộ phận người dân nhất là thanh thiếu niên tất yếu sẽ dẫn tới TNGT. Còn đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, với các khu đô thị mới đã được bàn giao, tùy từng tuyến đường, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát lắp biển báo hiệu giao thông song song với việc yêu cầu các chủ đầu tư thi công đúng các hạng mục phục vụ giao thông. Nhưng vị đại diện này cũng khẳng định, kể cả khi các hạng mục này hoàn chỉnh cũng không thể thay thế được ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.