Đổ thêm dầu vào lửa

ANTĐ - Hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang nhích dần đến một cuộc đối đầu quân sự, có khả năng biến thành một cuộc xung đột diện rộng trên toàn khu vực. 

Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đã điều động các lực lượng, trong đó có nhiều xe tăng, đến sát biên giới với Syria. Các lực lượng này đã được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Có lý do để e ngại đây sẽ là khúc mở màn cho một chiến dịch mới do các thành viên NATO tiến hành nhằm lật đổ chế độ hiện nay ở Syria vốn đang bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận. 

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang thiết lập một khu vực an toàn để cản trở khả năng di chuyển quân gần biên giới của Syria. Việc này sẽ cho phép phe đối lập Syria củng cố sức mạnh tại khu vực biên giới và sẽ tiến về các khu vực trọng yếu trên khắp đất nước. Vì vậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không de dọa khởi động một cuộc tấn công phủ đầu chế độ Assad, nhưng chắc chắn gián tiếp thực hiện các bước hỗ trợ phe nổi dậy Syria. Nhiều báo cáo gần đây cho hay Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Saudi Arabia, Qatar chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Syria với sự cho phép ngầm của Mỹ mặc dù Ankara phủ nhận thông tin này.

Trở lại vụ tấn công máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trên, vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. Phía Damascus bảo vệ quan điểm rằng chiếc F-4 Phantom trên đã xâm phạm không phận nước này. Ngược lại, Ankara khẳng định máy bay này bị bắn khi đang ở không phận quốc tế dù có vô ý xâm phạm vùng trời Syria trong tích tắc khi thử nghiệm khả năng radar. Bởi thế vụ bắn hạ máy bay không phải là lý do để tấn công vào Syria. Thế nhưng, xem ra đây không phải là chuyến bay cuối cùng để kiểm tra khả năng quốc phòng của Syria.

Lửa đã đang cháy bùng bùng mà dầu cứ được đổ thêm vào. Trong lúc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp tìm tung tích chiếc máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ trên vùng trời Syria, thì nhà cầm quyền Ankara lại đưa máy bay  CASA vào vùng trời Syria "để cứu hộ" (!?). Và phía Syria  tiếp tục bắn trả  để bảo vệ chủ quyền, quyền phòng vệ của mình và bắn chiếc máy bay thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ . 

Thổ Nhĩ Kỳ vừa triển khai súng phòng không và các loại vũ khí khác dọc khu vực biên giới của nước này với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có lực lượng vũ trang mạnh thứ hai trong NATO và hiện là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad về tình trạng bạo lực nhằm vào người biểu tình ở nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước cung cấp nơi trú ngụ cho các lực lượng của phe đối lập ở Syria là Quân đội Tự do Syria (FSA) và Hội đồng Dân tộc Syria (SNC). 

Quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng sau vụ máy bay nước này bị Syria bắn hạ… Bằng việc bắn rơi máy bay do thám Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đang cố gắng gửi một thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới bên ngoài đang hỗ trợ lực lượng nổi dậy rằng: Hãy cẩn thận, đây không phải là Libya và chúng tôi có khả năng quân sự để đối phó với bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài. 

Vụ việc này khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại rằng căng thẳng Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ châm ngòi xung đột trên toàn khu vực Trung Đông. Bộ Ngoại giao Nga  đã cảnh báo, NATO không nên lợi dụng  sự kiện này để làm tình hình Syria thêm căng thẳng. Chính phủ nhiều nước trong khu vực bày tỏ sự bất bình đối với những  hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ. 

“Không một nước nào có thể vượt ra ngoài phạm vi ảnh hưởng nếu như những xung đột ở Syria lan rộng. Nếu cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến tranh tôn giáo hoặc dân sự thì Iraq sẽ bị ảnh hưởng, Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là ngoại lệ” - Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari bày tỏ mối quan tâm khi khủng hoảng Syria sẽ lây lan sang các nước láng giềng. 

Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp về tình hình tại Geneva với sự tham dự của 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc  bao gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp và các đối tác khác tại Trung Đông. Các nước đều khẳng định ủng hộ kế hoạch của ông Annan về việc thúc đẩy tiến hành đối thoại chính trị quốc gia tại Syria, có thể bao gồm Chính phủ và các thành viên lực lượng đối lập. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng nếu không có sự phản đối quyết liệt của Nga và Trung Quốc, phương Tây đã áp dụng "kịch bản Libya" ở Syria. Có thể nói, Nga chính là chiếc phao cứu sinh cuối cùng của chế độ al-Assad. Nga cũng ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông Annan vì cho rằng đây là cách duy nhất để chấm dứt đổ máu tại Syria. Tuy nhiên, phản đối bất cứ hình thức can thiệp quân sự nào vào quốc gia Trung Đông này.