Đồ chơi kích động bạo lực tràn ngập Temu

ANTD.VN - Đồ chơi kích động bạo lực như: súng nhựa, súng nước, đạn nhựa, kiếm phát sáng… tràn ngập trên ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) Temu. Đây là những mặt hàng bị cấm kinh doanh.

Đồ chơi kích động bạo lực tràn ngập nền tảng TMĐT Temu

Truy cập vào ứng dụng Temu, chỉ cần gõ tìm kiếm “đồ chơi”, khách hàng sẽ thấy hàng loạt gian hàng bán đồ chơi kích động bạo lực như: súng bắn bóng gel điện, thanh kiếm phát sáng, súng phun nước cơ khí, băng đạn và viên đạn nhựa; bộ xếp hình khẩu súng trường…

Giá mỗi loại đồ chơi súng từ hơn 100.000 đồng/chiếc đến gần 1 triệu đồng/chiếc, trong khi phụ kiện như đạn, băng đạn… giá từ hơn 50.000 đồng/sản phẩm.

Đáng chú ý, để tăng đơn hàng, các gian hàng đều treo biển giảm giá và sắp hết hạn giảm giá ưu đãi. Bên dưới mỗi sản phẩm, hầu hết đều có bình luận tích cực như: “Đã mua lại sản phẩm lần 2, dùng rất thích”…

Temu mới công bố hoạt động tại Việt Nam từ cuối tháng 9 nhưng nền tảng này chưa có website chính thức đăng ký hoạt động. Trao đổi với báo chí, Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương), ngày 24-10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Nếu vậy, Temu sẽ phải tuân thủ pháp luật kinh doanh của Việt Nam. Các mặt hàng kích động bạo lực như trên sẽ bị cấm kinh doanh theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM về danh mục chi tiết hoá hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nếu cố tình kinh doanh, chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng bị phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc hành vi, mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng chế tài bổ sung.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang đề xuất nhiều giải pháp để quản lý hàng hóa kinh doanh qua TMĐT, đặc biệt từ các nền tảng xuyên biên giới để đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm bán… nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV vừa được nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố, 9 tháng qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Theo đó, tổng doanh số giao dịch của 9 tháng đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023. Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm.

Thống kê của Metric bao phủ 5 sàn lớn nhất hiện tại là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, đã lọc bỏ đơn ảo và sản phẩm quà tặng. Trong đó, TikTok Shop và Shopee là 2 sàn thương mại điện tử lần lượt ghi nhận tăng trưởng 110,6% và 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023.

Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các nền tảng TMĐT.