Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Nguy cơ mất tiền oan từ những combo du lịch "giá rẻ bất ngờ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Sau một thời gian yên ắng do Covid-19, năm nay, nhiều cơ sở lưu trú đã liên kết với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức nhiều combo tour du lịch hấp dẫn. Tuy vậy, một số đối tượng lợi dụng thời điểm này tung ra các chiêu lừa mà nếu không tỉnh táo, khách hàng sẽ dễ dàng “sập bẫy”.

Để giảm giá thành, một số doanh nghiệp lữ hành đã phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ khách sạn, hàng không đưa ra nhiều combo du lịch hấp dẫn như combo “Quảng Bình - khám phá hang động Phong Nha 3 ngày 2 đêm, với giá 4 triệu đồng/khách; Khám phá đảo Lý Sơn 4 ngày 3 đêm, giá 6 triệu đồng/khách; Du ngoạn tại vịnh Hạ Long bằng du thuyền hạng sang 2 ngày 1 đêm, giá 2,5 triệu đồng/khách; tham quan vịnh Lan Hạ bằng du thuyền giá 2,7 triệu đồng/khách”…

Hiện trên mạng xã hội, nhiều cá nhân liên tục chào mời các combo du lịch - nghỉ dưỡng, bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, họ thường tung ra các gói khuyến mại đi kèm như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay... Song, nếu không thận trọng khách hàng rất dễ vớ quả đắng.

Vịnh Lan Hạ - một trong những điểm đến của nhiều du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Vịnh Lan Hạ - một trong những điểm đến của nhiều du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Chị Nguyễn Thu Hải ở quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, dù đã từng đặt phòng khách sạn qua Traveloka, Agoda, Booking…nhiều lần nhưng chưa lần nào chị bị “bom” phòng như như đợt nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua.

Dù đã đặt phòng khách sạn ở Tam Đảo trước đó 1 tháng, nhưng khi đến nơi, chị Hải chỉ nhận được câu xin lỗi từ nhân viên lễ tân “khách sạn đã “cháy” phòng”. Sau hơn 1 giờ đồng hồ chạy bở hơi tai tìm chỗ trú chân song đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu, chị Hải cùng 4 thành viên khác đành tìm chỗ ăn rồi quay trở lại Hà Nội ngay trong ngày và hẹn gặp lại Tam Đảo vào một dịp khác.

Cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, trong một lần vào mạng, Đinh Hà Phương (ở huyện Thanh Miện, Hải Dương) đọc được quảng cáo “bán thanh lý voucher Sa Pa giá rẻ, 15 triệu đồng/5 người đã bao gồm phương tiện đi lại và phòng khách sạn 3 sao nên Phương rủ nhóm bạn mua chung.

Do lần đầu mua tour kiểu này nên Phương không kiểm tra trước, đến khi lên tới nơi nghỉ, nhóm bạn của Phương mới ngã ngửa khi không có tên trong danh sách khách đã đặt phòng trước. Khách sạn này cũng cho biết họ không có chương trình bán voucher nghỉ dưỡng. Đến lúc này Phương gọi điện đến số người bán thì chỉ thấy “thuê bao ngoài vùng phủ sóng’, còn nhắn tin qua mạng xã hội cũng không có hồi âm.

Theo ông Lê Ngọc Hùng - Giám đốc một công ty lữ hành ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gần đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của nhiều đơn vị lữ hành vì hiệu quả cao, giúp khách tiết kiệm thời gian và có lịch trình di chuyển hợp lý. Song thực tế, có không ít khách hoa mắt vì những combo du lịch có giá rẻ không tưởng nên đã dễ dàng “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.

Kẻ lừa đảo đánh vào lòng tham của con người nên tung ra các combo du lịch giá rẻ đến khó tin. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và lặn mất tăm. Khi người mua biết mình bị lừa thì không thể liên hệ được với bên bán.

Để có chuyến đi chất lượng, trước khi đặt vé, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin của người bán, phản hồi của khách hàng từng đặt tour du lịch của các đơn vị này, qua đó nắm được chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp.

Ngoài ra khách cũng cần đặc biệt lưu ý với các combo du lịch giá rẻ bất ngờ, bởi chúng thường được tạo ra khi người bán lấy thu bù chi nên chất lượng thấp hoặc đã gần hết hạn sử dụng bị bán tháo để thu hồi vốn - ông Hùng đưa ra lời khuyên.