Giải pháp “nóng” khôi phục nhanh du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một Diễn đàn du lịch quốc gia với tên gọi “Phục hồi du lịch Việt Nam – Định hướng mới, hành động mới” vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhằm thống nhất và triển khai các giải pháp cấp bách khôi phục nhanh ngành du lịch sau 2 năm khủng hoảng vì dịch bệnh.

Không thể phục hồi bằng giải pháp thông thường?

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Đại dịch Covid – 19 như một “cơn ác mộng” với toàn thế giới trong hai năm qua. Hàng loạt ngành kinh tế trong đó có du lịch, hàng không bị tê liệt trong một thời gian dài, thiệt hại của Du lịch Việt Nam trong 2 năm qua đã khiến ngành kinh tế vốn năng động, phát triển mạnh mẽ trước đây thụt lùi lại hàng chục năm.

Là ngành kinh tế tổng hợp, khi du lịch đóng cửa đã kéo theo nhiều ngành nghề có liên quan, nhiều địa phương là điểm đến du lịch cũng không hoạt động. Do vậy, khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn du lịch quốc gia với tên gọi “Phục hồi du lịch Việt Nam – Định hướng mới"

Các đại biểu tham gia Diễn đàn du lịch quốc gia với tên gọi “Phục hồi du lịch Việt Nam – Định hướng mới"

Sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt câu hỏi: Vậy thì thiệt hại to lớn từ dịch bệnh Covid – 19 đã mang đến bài học gì cho ngành Du lịch? Ngành Du lịch làm gì để phục hồi và phát triển, trở thành ngành kinh tế xanh và từng bước chuyển thành ngành kinh tế số? Bài học từ những thành tựu to lớn của Du lịch trong giai đoạn 2017 -2019 sẽ có thể áp dụng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch không...?

Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Để trả lời tất cả những câu hỏi đó, du lịch phải chuyển đổi nhiều, từ tư duy đến hành động: "Chúng ta đã nêu ra nhiều giải pháp, chính sách, kế hoạch trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi cần quan tâm là cần phải hành động. Do đó, phải đổi mới, quyết liệt, mạnh mẽ để vực dậy ngành du lịch. Quá trình đổi mới này phải được thực hiện trong cả hành động và tư duy. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải làm mới đồng bộ những vấn đề về lữ hành, khách sạn, nhân lực, điểm đến... Từ đó, phải hành động thật nhanh, kiên quyết và cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra"- ông Vũ Thế Bình nói.

Đánh giá về nguồn nhân lực của ngành trong thời điểm hiện nay, ông Vũ Thế Bình cho rằng đây là vấn đề cấp thiết của ngành. Bởi lẽ sau hai năm dịch bệnh, hơn 70% nguồn lao động của ngành đã không còn hoạt động. Do đó, các doanh nghiệp muốn phục hồi cần phải bổ sung nguồn nhân lực.

Thúc đẩy nhu cầu thị trường nội địa- giải pháp “phá băng”

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi sau 2 năm dịch bệnh. Ở thời điểm hiện tại, du khách có xu hướng tham gia các hoạt động du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch có chiều sâu với mong muốn trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng. Có thể thấy rằng hiện nay, khi đại dịch còn chưa kết thúc nhưng các điểm du lịch cộng động cùng là nơi thu hút đông đảo du khách. Đây là lợi thế lớn giúp phát triển và phục hồi du lịch trong thời gian tới.

Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đưa ra con số, năm 2022 triển vọng du lịch quốc tế dự báo lượng khách chỉ bằng 37%-50% so với trước đại dịch. Trong đó, du lịch nội địa vẫn là chủ đạo, giúp cho hầu hết các địa phương, doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động du lịch. Kèm theo đó, ông Thắng cũng đưa ra một số nghiên cứu thị trường, ví dụ thị trường khách du lịch Trung Quốc- đất nước đông dân nhất thế giới chưa sẵn sàng. Ở một số thị trường khác thì phụ thuộc vào độ phủ vaccine và chính sách liên quan. Nhiều thị trường vốn là truyền thống của Việt Nam thì du khách có thói quen lên kế hoạch du lịch trước 6 tháng- 1 năm. Hiện tại, hy vọng đặt vào thị trường ASEAN, Đông – Bắc Á, châu Âu, Úc...

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist khẳng định, xúc tiến du lịch là động lực chính để khôi phục nhanh, xây dựng hình ảnh du lịch để phục hồi nội địa và outbound từ đó thúc đẩy inbound.

Du lịch xanh, du lịch sinh thái là những lựa chọn trong thời gian tới

Du lịch xanh, du lịch sinh thái là những lựa chọn trong thời gian tới

Còn theo ông Cao Trí Dũng Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty Travelmart, hiện tại khoảng 80% doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng vẫn tạm dừng hoạt động sau gần 2 năm chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Thiệt hại của doanh nghiệp du lịch do sụt giảm doanh thu, trả lãi vay, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, chi phí thuê sân bãi, thuê đất, vận hành duy trì hoạt động tối thiểu, trả lương cơ bản cho đội ngũ quản lý, nhân viên… ước 27.300 tỷ đồng. (Trích nguồn: Báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng)

Trong thời điểm du lịch quốc tế vẫn còn bị đóng băng và việc hạn chế đi lại trong nước dần được dỡ bỏ, việc tìm hiểu và thúc đẩy nhu cầu du lịch trong nước là chìa khoá để bù đắp phần nào những thiệt hại về doanh thu cho ngành cũng như làm đòn bẩy tái khởi động lại hoạt động du lịch sau hai năm trì hoãn.

Tuy nhiên, sau một quãng dừng quá dài không đi du lịch cũng như việc tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thị trường và tâm lý của du khách đã trở nên khó dự đoán hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận định lại xu hướng của du khách là quan trọng và cần thiết trong lộ trình phục hồi hoạt động du lịch.

Ngày 27.3 .2022 Đà Nẵng đón những vị khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm đóng cửa bầu trời

Ngày 27.3 .2022 Đà Nẵng đón những vị khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm đóng cửa bầu trời

Ông Cao Trí Dũng cũng đưa ra một số nghiên cứu thị trường. Ví dụ, nhu cầu khách hàng chuyển đổi cơ bản sang các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có không gian trải nghiệm phong phú và thưởng thức ẩm thực địa phương, trong đó những kỳ nghỉ gần nhà (staycation) cũng đang là xu hướng đáng chú ý.

Xu hướng đi theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình, tự mua vé máy bay, đặt khách sạn, tự thuê xe di chuyển và mua dịch vụ daily tour tại các điểm đến theo nhu cầu, sở thích. Khách hàng đi du lịch có xu thế chi tiêu cho dịch vụ, ẩm thực, mua sắm, nhiều hơn sau một thời gian bị gò bó do dịch bệnh.

Đối với thị trường khách Inbound: Du khách sẽ lựa chọn các điểm đến an toàn, điểm đến có các chính sách tốt, thuận tiện cho du khách đến du lịch và quay về an toàn. Xu hướng chọn các điểm đến có không gian trải nghiệm tốt, dịch vụ nghỉ dưỡng đa dạng hướng thiên nhiên, sinh thái.

Chính vì thế, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú nên căn cứ vào nhận định và sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có các điểm nhấn về mặt trải nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, đẩy mạnh công tác truyền thông để kích cầu.

Liên kết để cùng phát triển

Ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TST Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố HCM nêu ý kiến “liên kết để cùng phát triển".

Theo ông Lại Minh Duy, giữa các Doanh nghiệp Hội viên trong cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần tạo nên sản phẩm đặc thù, không trùng lắp. Cạnh tranh lành mạnh, nâng tầm thương hiệu. Liên kết phát triển sản phẩm đặc thù từng địa phương, cùng nhau quảng bá xúc tiến tạo hiệu quả chung cho ngành. Giữa các tổ chức xã hội trong và ngoài ngành Du lịch. (giữa các Hiệp hội Du lịch với các Hiệp hội ngành nghề khác). Giao thương, xúc tiến thương mại, tăng cường sức mạnh liên kết trong phục hồi phát triển Du lịch và các ngành kinh tế liên quan.

Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng đón những vị khách nhập cảnh vào ngày 27.3.2022

Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng đón những vị khách nhập cảnh vào ngày 27.3.2022

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, Hội viên của Hiệp hội cũng thuộc nhiều ngành nghề đa dạng như: vận chuyển, lưu trú, lữ hành, nhà hàng, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại tổng hợp… Cần tăng cường giao lưu gắn kết chặt chẽ, giới thiệu thế mạnh sản phẩm của mình, để từ đó tạo ra những gói sản phẩm đặc thù, độc đáo, đặc sắc mang dấu ấn riêng, đem đến cho khách hàng những giá trị gia tăng, hữu ích và chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, các Hội viên cùng góp phần phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội địa phương.

Bên cạnh Hiệp hội Du lịch, còn có rất nhiều Hiệp hội ngành nghề khác nhau như: Da – giầy; lương thực – thực phẩm; Cà phê và Ca Cao; Điều; Dệt may; Gốm sứ; Thủ công mỹ nghệ; Kim hoàn,… là nơi quy tụ nhiều thành phần kinh tế khác nhau, qua đó tạo nên nhiều sản phẩm quà tặng, hàng tiêu dùng chất lượng của Việt Nam. - Tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại từ đó xây dựng nên các gói sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, giới thiệu thêm các sản phẩm quà tặng đặc trưng của từng địa phương, đáp ứng được nhu cầu khách hàng và thị trường, nâng cao giá trị kinh tế trong liên kết.