Điều gì đằng sau nạn sát hại nhà báo ở Mexico?

ANTD.VN -  Trong bối cảnh gia tăng bạo lực, các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo ở Mexico đang tăng đột biến, với 4 người thiệt mạng chỉ trong tháng 1-2022. Đây là một trực trạng nguy hiểm khi không có sự trừng phạt thích đáng.
  • Chân dung những nhà báo bị sát hại được trưng ra trong một cuộc biểu tình ở thành phố Mexico

Ngày 31-1, 3 người đàn ông có vũ trang đã nhằm bắn Robert Toledo, một nhà quay phim của kênh truyền hình Monitor Michoacan khi anh đang chuẩn bị quay một cuộc phỏng vấn ở phía Tây thành phố Mexico. Vài ngày trước đó, phóng viên Lourdes Maldonado Lopez đã bị bắn chết ở Tijuana - cùng thành phố nơi nhiếp ảnh gia tự do Margarito Martinez, người chuyên ghi lại các hiện trường vụ án, bị sát hại vào ngày 17-1. Và đầu tháng trước, Jose Luis Gamboa Arenas, Giám đốc trang tin tức Inforegio ở Veracruz, một vùng nổi tiếng bạo lực và tham nhũng, đã chết vì bị đâm. Theo Jan-Albert Hootsen, đại diện Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ở Mexico, 2 phóng viên khác đã bị tấn công trong tháng 1-2022 nhưng may mắn giữ được tính mạng. “Chúng tôi đã chứng kiến tháng bạo lực nhất đối với các nhà báo trong một thập kỷ qua”, ông Hootsen nói.

Nếu như trước những năm 1980, Mexico chứng kiến rất ít vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhà báo thì xu hướng hiện nay có thể bắt nguồn từ năm 2006, khi chính phủ Mexico tuyên chiến với tội phạm có tổ chức và triển khai quân đội để diệt trừ các băng đảng. Điều này dẫn đến bùng nổ bạo lực trên khắp đất nước, bao gồm cả những vụ việc nhắm vào các nhà báo dám đưa tin về cuộc xung đột. Đáng nói, khoảng 99% tội ác chống lại các nhà báo không bị truy tố, Paula Maria Saonedo Ruiz thành viên Article 19, một nhóm bảo vệ quyền tự do ngôn luận nói.

Ông Hootsen đã đến thăm thành phốTijuana vào tuần trước sau khi Martinez và Lopez bị giết hại. Ông gọi thành phố là “thủ đô giết người của Mexico”, vì hiện nay nơi này trung bình có khoảng 5 vụ giết người mỗi ngày. Theo GoFundMe do các đồng nghiệp của nhiếp ảnh gia Martinez thành lập, anh biết về rủi ro nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi việc phơi bày tình trạng bạo lực đang gia tăng ở thành phố biên giới này. Các nhóm tội phạm đang gây chiến khắp Tijuana, sẵn sàng hành động hết sức liều lĩnh để bảo vệ lợi ích của họ, trong khi chính quyền địa phương không muốn hoặc không thể hành động. “Nó tạo ra một môi trường cực kỳ nguy hiểm, độc hại cho các nhà báo”, Hootsen nói.

Manuel Ayala, một nhà báo tự do chuyên viết về những người mất tích, buôn bán người, di cư và tội phạm có tổ chức ở Tijuana, nói rằng anh luôn cẩn trọng với người mà mình nói chuyện, vì các nguồn tin cũng có thể cung cấp thông tin cho các tổ chức tội phạm. Trong khi không bị trực tiếp đe dọa trong công việc, Ayala đã bị cảnh báo. Có lần, một cảnh sát địa phương tuần tra đã ghi lại thông tin cá nhân và bảo anh tránh xa một khu vực nhất định. Lần khác, một nguồn tin đề nghị anh ngừng điều tra câu chuyện buôn người. “Tòa soạn cũng không thể bảo vệ chúng tôi nên chúng tôi phải tự bảo vệ mình”, Ayala chia sẻ.

Trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ này, Ayala và Martinez là bạn của nhau. “Kể từ khi tôi đến Tijuana, anh ấy luôn chào đón tôi. Tôi xem anh ấy như một người anh trai, vì đã hướng dẫn tôi về những điều đặc biệt của thành phố, về cách làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi tác nghiệp. Margarito Martinez đã từng làm điều đó với nhiều người”.

Khoảng 500 nhà báo đã đăng ký tham gia một cơ chế bảo vệ các nhà báo, với các biện pháp từ hệ thống giám sát tại nhà đến vệ sĩ. Nhưng các thành viên của giới truyền thông rất nghi ngờ về tính hiệu quả của chương trình này. Trong khi khó tìm thấy hy vọng, những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận có động lực từ sự đoàn kết của các nhà báo Mexico và họ đã tổ chức các cuộc biểu tình khắp 65 thành phố để phản ứng trước cái chết của các đồng nghiệp. Việc hợp tác xuyên vùng bằng cách đồng loạt xuất bản cũng khiến các nhà báo địa phương ít phải đối mặt với nguy cơ bị đơn lẻ hơn.