Điều đặc biệt đằng sau cuốn sách phác thảo bức tranh về điện ảnh Việt Nam của Tiến sĩ Ngô Phương Lan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh bộc bạch, sau nhiều năm bận rộn với công việc quản lý, dường như những con chữ đã thôi thúc và níu kéo chị quay trở lại viết lách. Tập tiểu luận phê bình “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập” đã ra đời như vậy, một cách rất tự nhiên và đúng lúc khi chị cũng đang muốn làm một điều gì đó ý nghĩa để kỷ niệm tuổi 60.

Buổi ra mắt sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty sách Liên Việt tổ chức vào chiều 8-11 tại không gian ấm cúng thuộc Trung tâm chiếu phim quốc gia, Hà Nội – nơi được xem là “cái nôi” chiếu phim của điện ảnh Việt Nam. Từng xuất hiện tại không ít các sự kiện đình đám của điện ảnh trong nước và quốc tế, song TS Ngô Phương Lan xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong đời chị ngồi trong một khán phòng mà mình trở thành nhân vật chính.

Nói vậy là bởi ngày còn đương chức quản lý ngành điện ảnh, chị tâm niệm mình chỉ là người phục vụ, cố gắng dọn dẹp làm sao góp phần xây nên một căn nhà chung để những người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, “đẻ” ra những “quả trứng vàng” là các phẩm điện ảnh có chất lượng. Còn hiện tại khi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, công việc này lại đơn thuần là người “đứng sau cánh gà”. Vì thế, TS Ngô Phương Lan tâm sự, lần này ngồi trên sân khấu để chia sẻ về cuốn sách của mình, chị không khỏi hồi hộp pha lẫn chút lúng túng.

Thật ra đây không phải lần đầu tiên TS Ngô Phương Lan viết lách và ra sách. Trước đó, chị từng có 2 tác phẩm được xuất bản là cuốn sách “Đồng hành với màn ảnh” (1998) và “Tính hiện đại và dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” (2005). Có điều, cả hai cuốn sách này đều ra đời lặng lẽ, chưa có buổi ra mắt chính thức bao giờ. Mặc dù cả hai “đứa con tinh thần” ấy của chị đều rinh về nhiều giải thưởng của giới chuyên môn. Đặc biệt, cuốn thứ hai còn được chắt lọc, biên tập và được Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC) cùng Galangpress dịch sang tiếng Anh và xuất bản với tên gọi “Modernity and nationality in Vietnam cinema” và phát hành quốc tế vào năm 2007, rồi được “book tour” (tạm dịch là “du lịch cùng sách”) vòng quanh châu Á, Mỹ, các nước châu Âu… Cùng với đó là những buổi giới thiệu ấn phẩm này ở nước ngoài nhưng như TS Ngô Phương Lan tiết lộ thì những lần này, chị đi một mình chứ không có người thân, đồng nghiệp hay bạn bè thân quen bên cạnh; và những người có mặt ở khán phòng chủ yếu là những nhà nghiên cứu, đồng nghiệp trong giới điện ảnh đến từ các Liên hoan phim quốc tế, một số trung tâm điện ảnh, trường học…

Nói về việc ngắt quãng tới 18 năm mới chịu ra mắt cuốn sách tiếp theo, TS Ngô Phương Lan bộc bạch, cũng có những lúc chị tự trách mình vì sự cách quãng này dù thực tế những trang viết đầu tiên của tác phẩm này đã được chị đặt bút nhen nhóm từ cách đây rất lâu. Song viết một tác phẩm mang tính chất lý luận phê bình không đơn giản chỉ là cảm hứng, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu. Sự gián đoạn này theo chị lý giải, một phần cũng bởi sau một giai đoạn bùng nổ và phát triển thời kỳ đổi mới thì điện ảnh Việt Nam có sự chững lại, bước sang giai đoạn chuyển tiếp, không có nhiều những bộ phim hay nên cảm hứng để viết ra những bài phê bình hay cũng rất khó.

“Những bộ phim ở giai đoạn chuyển tiếp này có thể đạt doanh thu rất cao, khán giả đến rạp xem rất đông, góp phần giúp rạp chiếu sống lại nhưng để tìm lại được những tác phẩm có giá trị như thời kỳ đổi mới thì hạn chế. Số lượng phim nhiều nhưng tỷ lệ phim hay và ấn tượng không có nhiều. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, mỗi năm có tới hàng chục phim ra đời, nhưng để tìm ra được những bộ phim cho thấy sự dốc gan dốc ruột của nhà làm phim, bộ phim để đời cho đạo diễn la rất khó. ” – TS Ngô Phương Lan thẳng thắn bày tỏ.

Cùng với đó, chủ nhân của cuốn sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập” thừa nhận, lý do chủ quan của sự ngắt quãng viết lách lâu vậy còn bởi bản thân chị không kiên quyết xếp lại cách công việc khác để ngồi vào bàn viết, trong khi viết phê bình lại rất cần sức bền, không thể một sớm một chiều mà dễ dàng xong được. Nhiều bài trong cuốn sách này, chị đã phải dành ra tới vài ngày, có khi cả tuần để hoàn thiện.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh (giữa) cùng nhiều nghệ sĩ, người thân, bạn bè đồng nghiệp đến chúc mừng cuốn sách mới của TS Ngô Phương Lan.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh (giữa) cùng nhiều nghệ sĩ, người thân, bạn bè đồng nghiệp đến chúc mừng cuốn sách mới của TS Ngô Phương Lan.

Chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm in ấn thứ 3 trong sự nghiệp viết lách, mà đúng hơn là cuốn sách thứ 4 (tính cả cuốn sách thứ 2 được chuyển ngữ và phát hành quốc tế), TS Ngô Phương Lan cho biết, có thời gian dài những bộ phim về đề tài chiến tranh dược xem là biểu tượng, là gương mặt của điện ảnh Việt Nam. Trên thế giới, người ta cũng thường cho rằng điện ảnh của đất nước hình chữ S là nền điện ảnh chiến tranh.

Song gần nửa thế kỷ kể từ khi hòa bình lập lại, diện mạo điện ảnh Việt Nam có rất nhiều thay đổi, có điều đồng nghiệp và khán giả ở nước ngoài không phải ai cũng biết tới sự thay đổi này. Ở góc nhìn khác, khán giả trẻ bây giờ lại chỉ thường chọn xem những bộ phim mang tính giải trí. Giai đoạn chuyển mình của điện ảnh trong nước vì thế ít được tổng hợp và giới thiệu.

Năm 2019 khi Hiệp hội Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á – Thái Bình Dương “đặt hàng” chị viết một chương về điện ảnh Việt Nam cho cuốn sách “Điện ảnh Đông Nam Á – cái nhìn từ khu vực”, chị đã viết về điện ảnh Việt Nam từ đầu những năm 1990 đến nay. Phần viết này được dịch sang tiếng Anh. Ngay khi ấy, ý định sẽ làm một cuốn sách về điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập đã hình thành trong chị.

Sách được chia làm 2 phần, khác nhau về tính chất. Phần một có thể xem là phần phê bình. Ngoài phần khái quát về tác phẩm điện ảnh và phong cách của đạo diễn là những bài phê bình một số bộ phim mà tác giả nhận định là ít nhiều ghi dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới như: “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Thằng Bờm”, “Mê Thảo thời vang bóng”, “Ai xuôi vạn lý”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng”, “Vị đắng tình yêu”, “Đời cát”, “Mùa len trâu”, “Thời xa vắng”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”… TS Ngô Phương Lan tiết lộ, những bài phê bình này được chị viết tại thời điểm phim ra mắt khán giả, nhiều bài được chị biên tập lại với suy nghĩ của ngày hôm nay.

Phần 2 của sách là một số bài tiểu luận, bài viết về sự phát triển, đôi khi còn gọi là sự “chìm nổi” của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo sơ đồ các Liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Ẩn sau đó là những trăn trở với câu chuyện làm sao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng con đường điện ảnh.

Từng làm công tác quản lý ngành điện ảnh, giờ lại đảm trách vai trò quan trọng trong Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, TS Ngô Phương Lan trải lòng, chị nhận ra khi xem phim bằng góc nhìn của một nhà phê bình thì có cái thiệt hơn so với một khán giả thông thường. Sở dĩ vậy là bởi người làm công tác phê bình như chị thường có lý trí mạnh hơn. Hiểu rõ điều ấy nên chị cũng luôn cô gắng giữ được cảm xúc riêng của mình khi xem với suy nghĩ: “lý trí là cần thiết, nhưng giữ được cảm xúc thì bài phê bình sẽ hay hơn”.

TS Ngô Phương Lan trải lòng, chị sống vừa phải, không chọn những góc nhìn quá cực đoan hay đi quá mức. Vì vậy, chị luôn quan niệm phải làm sao để trong lúc phê bình, một mặt vẫn giữ được cảm xúc, mặt khác cố gắng để ngôn ngữ của mình giản dị nhất, đời nhất có thể. Chị cũng ít khi trích dẫn trong các bài viết. Thay vào đó, chị viết với tâm thế nạp được chút năng lượng, kiến thức nào thì sẽ “tiêu hóa” được đến đó. Với chị, có thể cách đó chưa phải là tốt nhất, nhưng đem lại cho chị cảm giác thoải mái và cân bằng nhất khi viết.

“Tôi viết theo cách phê bình được học từ Nga, vì lẽ đó một bài phê bình cũng thường ngọn ngành, có bài ngắn, bài dài nhưng không đi vào những gì quá mức, không phải lối phê bình gây ‘sốc’. Tôi cố gắng phát hiện ra khía cạnh nào đó, về ý tưởng, ý tứ, ở góc độ nghề nghiệp…Chất liệu của tôi là từ tác phẩm điện ảnh. Tôi cố vì găns khắc phục cách viết phê bình theo kiểu chỉ chú trọng đến nội dung của phim vì cách đó có vẻ nghiêng về phê bình văn học nhiều hơn. Tôi hay căn cứ vào bộ phim đó có gì, cho ta cái gì.” – TS Ngô Phương Lan giãi bày.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Đến dự buổi ra mắt cuốn sách mới của TS Ngô Phương Lan, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận xét, trong xã hội văn minh ngày nay thì chuyện khen chê là bình thường, người làm công tác lý luận phê bình không đơn thuần là khen hay chê, mà phải là khen đúng – chê đúng, có tính trách nhiệm. Riêng với cuốn sách này của TS Ngô Phương Lan, tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến và nhận xét trái chiều. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy ở TS Ngô Phương Lan là một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh Việt Nam vào vị trí xứng đáng trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.

Trở lại với “đứa con tinh thần” vừa chính thức được ra mắt và ấn hành rộng rãi, TS Ngô Phương Lan chia sẻ, chị cố gắng phác thảo nên bức tranh về điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của một người nằm trong guồng quay của điện ảnh suốt hơn 3 thập kỷ qua với mong muốn phác thảo này được đồng nghiệp và khán giả chấp nhận.

TS Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp khoa Lý luận, phê bình điện ảnh (Điện ảnh học) – Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Trước khi nghỉ hưu, chị từng là Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL; Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 -2018).

Hiện tại, sau khi nghỉ hưu, chị đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I; Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC). TS Ngô Phương Lan được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Tại CineAsia năm 2022, chị nhận giải thưởng “Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á Thái Bình Dương”.