Diễn tập quân sự làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên!

ANTĐ - Thực hư Nga đang xúc tiến một cuộc diễn tập chung với Triều Tiên hay việc Mỹ-Hàn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp đang thực sự làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên.    

Diễn tập quân sự làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên! ảnh 1Tàu chiến Mỹ - Hàn trong một cuộc diễn tập

Thời gian gần đây, truyền thông Hoa Kỳ loan tin, ngày 31-1 Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Gerasimov phát biểu tại một hội nghị cấp cao của Bộ quốc phòng về việc Nga đang tiến hành đàm phán với Bộ quốc phòng Triều Tiên để tổ chức một cuộc diễn tập quân sự chung hải lục không quân với quốc gia này.

Thông tin này sau đó, vào ngày 4-2-2015, một quan chức ngoại giao Hàn Quốc trả lời phỏng vấn báo chí đã phủ nhận về việc Nga - Triều đang xúc tiến triển khai một cuộc diễn tập chung giữa hai nước.

Có thể những thông tin mà truyền thông Mỹ đưa ra liên quan đến kế hoạch Nga đang muốn đàm phán với Bộ quốc phòng Triều Tiên, Cuba, Brazil và một số quốc gia nữa để tổ chức một cuộc diễn tập quân sự chung hải lục không quân chăng.

Theo một số nguồn tin phân tích, tuy thời gian gần đây, Moscow và Bình Nhưỡng đã mở rộng và tăng cường quan hệ. Tháng 11-2014, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cử đặc phái viên Choe Ryong-hae sang Nga và được Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp đón chân thành.

Tại cuộc gặp này, báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) cho biết 2 bên tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong năm 2015 về các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng từ trước tới nay hai nước chưa hề tổ chức một cuộc diễn tập quân sự chung nào. Cho nên, khả năng hai nước chuẩn bị tổ chức một cuộc diễn tập quân sự chung ít xảy ra.

Theo ông Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Nga đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Brookings cho rằng, động thái kể trên có thể nhằm chứng minh Moscow không bị cô lập trên trường quốc tế. Dù vậy, ông Pifer nghi ngờ về khả năng Nga và Triều Tiên thực sự tập trận chung.

Một động thái khác liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, truyền thông Hàn Quốc cho hay, ngày 30-1, tàu ngầm hạt nhân SSN 717 của Hải Quân Mỹ đã cập cảng hải quân Chinhae Hàn Quốc, để tham gia cuộc diễn tập chung hải quân Mỹ - Hàn diễn ra từ ngày 5 đến 7-2 và tham dự lễ chào mừng thành lập Bộ tư lệnh tàu ngầm hải quân Hàn Quốc.

 

Ông Kim Jong-un và tướng lĩnh, chỉ huy quân đội thị sát một cuộc diễn tập của quân đội Triều Tiên

Ngay sau đó, ngày 4-2, Uỷ ban Quốc phòng Triều Tiên ra “tối hậu thư” cho phía Mỹ, yêu cầu Washington và Seoul lập tức dừng các hoạt động diễn tập chung.

Hồi tháng trước, quan chức Bình Nhưỡng cũng đã phát đi tín hiệu rằng: “nếu Mỹ - Hàn dừng các hoạt động diễn tập chung thì Triều Tiên cũng có thể dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân”, nhưng đề xuất này đã bị phía Mỹ từ chối, dẫn đến tình hình bán đảo Triều Tiên luôn nằm trong trạng thái căng thẳng.

Ngày 4-2, Uỷ ban Quốc phòng Triều Tiên đã phát đi một tuyên bố mạnh mẽ rằng, sẽ đáp trả chính sách thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng, đồng thời tuyên bố không cần thiết phải đàm phán với phía Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng cho biết, biện pháp đáp trả cụ thể của họ là đa dạng. Nếu Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường, thì họ cũng đáp trả bằng một cuộc chiến tranh thông thường; nếu Hoa Kỳ triển khai một cuộc chiến tranh hạt nhân thì Bình Nhưỡng cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương tự.

Ngày 3-2, đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc Mark Lippert cho biết, Mỹ đã làm tốt công tác chuyển bị cho một cuộc đối thoại với Triều Tiên, nhưng ông cũng không quên nhắc nhở, trước hết, Bình Nhưỡng nên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nếu không, tiếp tục sẽ phải chịu những đòn trừng phạt từ phía Washington.