Điểm yếu lớn của xe tăng T-90M Proryv khiến M2 Bradley dễ dàng tiêu diệt

ANTD.VN - Trong cuộc đọ sức trực diện, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley đã chiến thắng xe tăng T-90M Proryv nhờ biết rõ điểm yếu của đối thủ.

Gần đây đoạn video ghi lại trận đối đầu trực diện giữa xe tăng T-90M Proryv của Nga và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Ukraine đã được đăng tải và thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia quân sự.

Kết quả cuộc đối đầu nói trên là cỗ chiến xa do Nga chế tạo, rất ngạc nhiên đã bị xe chiến đấu bộ binh Mỹ bắn tê liệt, sau đó bị phá hủy bởi một chiếc máy bay không người lái FPV cảm tử.

Đây là sự thật khó tin, bởi vì cuộc đọ sức diễn ra ở cự ly gần, chiến thắng của kíp lái chiếc Bradley là "vô tiền khoáng hậu", đặc biệt khi xe tăng luôn có lợi thế vượt trội so với các phương tiện chiến đấu bộ binh.

Nhưng ở đây các chuyên gia giải thích: "Có thể nói rằng kíp lái chiếc Bradley người Ukraine đã thắng trận chiến chính là nhờ chất lượng huấn luyện của họ cao hơn so với binh sĩ Nga".

Và đáng chú ý nhất, trong bài phân tích đăng trên tạp chí Armiya Inform, giới phân tích đã nêu chi tiết những khuyết điểm mà xe tăng T-90M Proryv chưa khắc phục được, khiến đối phương có thể tận dụng và giành chiến thắng khi đối đầu.

Như ấn phẩm viết sau khi trích dẫn lời của Trung tá đã nghỉ hưu Mykola Salamakha, xe tăng T-90M Proryv của Nga thực sự có nhiều điểm yếu mà các binh sĩ Ukraine đã lợi dụng rất thành công.

Đầu tiên, trường nhìn của kính ngắm và thiết bị quan sát dành cho trưởng xe và xạ thủ trên T-90M không đủ rộng để phát hiện đối phương ở khoảng cách gần (- 4° trong trường hợp phóng đại 12x và 12° khi phóng đại 4x).

Điều này có nghĩa là nếu cự ly giao chiến gần hơn 500 mét thì "vùng mù" nằm trong khoảng tầm nhìn 100 - 150 độ, trong khi trận đấu giữa xe tăng T-90M với xe chiến đấu bộ binh Bradley chỉ ở trong khoảng 200 mét.

Ngoài ra còn có một sắc thái khác cần phải rất quan tâm đó là vị trí kính bảo vệ PNM-T và ống ngắm toàn cảnh quá lớn, nên các khí tài nói trên là mục tiêu tuyệt vời ở khoảng cách 150 mét.

Không chỉ có vậy, thực tế là pháo 2A46M-5 trên T-90M Proryv phải mất ít nhất 8 giây để nạp lại đạn, trong khi pháo tự động M242 Bushmaster có thể bắn liên tục vào mục tiêu theo đúng nghĩa đen.

Chưa hết, theo Trung tá Mykola Salamakha, xe tăng T-90M Proryv còn có những điểm yếu khác có thể bị đối phương tích cực khai thác khi cận chiến.

Điển hình như phần giáp trên nóc vị trí của người chỉ huy chỉ dày 30 mm, khoang chứa đạn phía sau tháp pháo có độ dày chỉ 20 mm và tấm giáp phía sau dày không quá 40 mm.

Lớp bảo vệ như vậy là rất mỏng, trong một vài trường hợp có thể chịu được phát bắn từ súng phóng lựu chống tăng RPG, nhưng không thể chống chịu một viên đạn xuyên động năng kể cả bắn đi từ pháo nhỏ.

Thử nghiệm cho thấy đạn xuyên giáp bắn đi từ pháo cỡ 25 - 30 mm có thể xuyên thủng những vị trí hiểm yếu trên xe tăng T-90M Proryv khi được khai hỏa từ vị trí cách xa tới 300 - 400 m.

Việc lắp thêm giáp phản ứng nổ vào những vị trí trên có thể giải quyết phần nào vấn đề, nhưng lại gây ra trở ngại khác liên quan đến hoạt động, do vậy cần tính đến phương án triệt để hơn trong tương lai.