"Điểm yếu của y tế Việt Nam là cơ sở hạ tầng chứ không phải con người"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Qua đợt dịch Covid-19 cho thấy, cái yếu của hệ thống y tế chúng ta không phải là đội ngũ y, bác sỹ mà là cơ sở hạ tầng", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm và đề nghị tăng tỉ lệ phân bổ vốn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục.

Chiều 27-7, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng thêm 700 nghìn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời giảm 50% số dự án đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải và tạo các dự án có tính liên vùng, lan toả.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng 2,8 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công không phải là nhiều, có thể xem đây chỉ là “vốn mồi” để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư riêng, nhất là đẩy mạnh hợp tác công tư.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu trước Quốc hội, chiều 27-7

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu trước Quốc hội, chiều 27-7

Vị đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần xem lại phân bổ đầu tư cho một số dự án chưa thực sự cần thiết và tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục.... Bởi hiện tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo rất thấp, chỉ chiếm 3,8%; y tế chiếm 3,2%, văn hoá chiếm 1%.

"Qua đợt dịch Covid-19 cho thấy, cái yếu của hệ thống y tế chúng ta không phải là đội ngũ y, bác sỹ mà là hệ thống cơ sở hạ tầng. Còn về giáo dục, Nghị quyết đại hội Đảng coi phát triển con người là một trong ba khâu triệt phá chiến lược.

Thế nhưng chúng ta chỉ đầu tư 3,8% cho giáo dục đào tạo thì làm sao thoả đáng, khả thi được. Thống kê cho thấy đầu tư đại học của Việt Nam đang ở nhóm thấp nhất trên thế giới. Nếu đầu tư thấp như thế, làm sao có điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng không chỉ mức tỉ lệ phân bổ vốn ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế còn thấp mà về tỉ lệ phân bổ ngân sách theo vùng, khu vực Tây Nguyên cũng rất thấp.

“Nếu cân đối được nợ công và nguồn dự phòng trung ương, chúng ta sẽ có thêm một khoản để bổ sung cho các lĩnh vực, vùng miền như đề cập ở trên. Nội dung này nên đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công trung hạn”, ông Nguyễn Trường Giang kiến nghị.

Bên cạnh ưu tiên phân bổ vốn cho các lĩnh vực như tờ trình Chính phủ nêu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị quan tâm tới một số lĩnh vực khác để đảm bảo an sinh xã hội.

“Tác động của đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức vận hành nền kinh tế, các khái niệm về lao động, ngành nghề… Vì vậy, cần có sự chuẩn bị căn cơ, đi trước một bước để thích ứng với sự thay đổi này”, bà Nguyễn Thị Thu Dung phân tích và đề nghị quan tâm tới các vấn đề về hậu dịch.

Bàn thêm về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) tán thành với các giải pháp Chính phủ trình, đồng thời kiến nghị: Tập trung đẩy nhanh thể chế đầu tư công; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; khắc phục tình trạng giải ngân chậm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực cho đầu tư, phát triển, đặc biệt là phương thức đầu tư PPP.

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên từ thực tiễn địa phương, đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) đề nghị tách nội dung thành phần đền bù giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng.

"Đây là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục sự chậm trễ trong thực hiện các dự án đầu tư công gian đoạn tới", bà Ma Thị Thuý nhấn mạnh.