Điểm tựa vững chắc của nhân dân chiến thắng đại dịch

ANTD.VN - “Những đêm thiếu ngủ, những hộp cơm ăn vội” - đó là một phần hình ảnh của những chiến sĩ công an khi thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, các anh - những chiến sĩ Công an nhân dân đã cố gắng hết mình, mang hết sức trẻ và lòng nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc, tiếp sức cho người bị cách ly, góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, xứng đáng là điểm tựa của nhân dân cùng đất nước chiến thắng đại dịch.

Các chiến sĩ, y bác sĩ tại Bệnh viện CATP Hà Nội sàng lọc bệnh nhân trước khi vào khu cách ly

Những lời ca xóa nhòa khoảng cách

Đẩy chiếc vali, lững thững đi ra khỏi cổng khu cách ly Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Tống Duy Hiếu, ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, ngoái đầu nhìn lại nơi anh đã ở trong suốt 14 ngày cách ly. Nở nụ cười trên môi khi thấy người nhà đến đón nhưng anh Hiếu vẫn không ngừng ngoái nhìn xung quanh tìm những chiến sĩ Công an đã đồng hành cùng anh trong suốt thời gian qua. “Đó là những ngày không quên trong cuộc đời tôi. Khi tiếp xúc với người nước ngoài nhiễm Covid, vào đây tôi suy sụp lắm! Nhờ các anh công an động viên tinh thần, và còn hát cho chúng tôi nghe cho đỡ buồn, đỡ nhớ nhà...”, anh Tống Duy Hiếu chia sẻ.

Nhớ lại những ngày tháng đó, anh Hiếu không giấu nổi cảm xúc, lời nói hòa quyện cùng giọt nước mắt: “Công an Việt Nam phục vụ công tác cách ly mà còn sợ dân buồn. Trong hoàn cảnh này, các anh phải kiêm nhiệm nhiều công việc, vừa khuân vác đồ đạc, vận chuyển đồ ăn uống, lại còn phục vụ văn nghệ nữa. Đây chính là một sự quan tâm tuyệt vời tới những người bị cách ly 14 ngày”.

Còn đối với Thiếu tá Tống Quang Thọ, Trưởng CAX Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, hình ảnh những người cuối cùng hoàn thành quá trình theo dõi, rời khỏi khu cách ly là giây phút không quên trong anh. “Cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng, tự hào lắm, bởi vì điều đó cũng có ý nghĩa suốt quá trình cách ly, công tác  bảo vệ đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành”, Thiếu tá Tống Quang Thọ chia sẻ.

Khi phóng viên gợi nhắc đến những khoảnh khắc vui vẻ cùng hát với người cách ly, Trưởng CAX Thạch Hòa cho biết, thực ra không chỉ có người Việt Nam, tại khu cách ly còn có cả những người nước ngoài. Khi họ vừa xuống sân bay đã bị đưa về đây cách ly.

Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương... luôn trào dâng trong họ. Nhiều người không kìm chế được, bật khóc trong phòng cách ly. Thấu hiểu những điều đó, các chiến sĩ đã dùng lời ca, tiếng hát, những bài hát từ quê hương, đất nước của họ để đứng hát dưới sân khu cách ly, với mong muốn sẻ chia, động viên họ.

“Anh em đứng hát ở dưới, người cách ly vỗ nhịp, hát vọng từ trên xuống. Khoảng cách tuy xa mà gần gũi, thân thương. Chiến sĩ và người cách ly đồng vọng. Giá như được ngồi cùng nhau hát thì chắc chắn sẽ hay hơn rất nhiều”, Thiếu tá Tống Quang Thọ bày tỏ.

Hình ảnh chiến sĩ công an rà từng ngõ, phố trong thời dịch bệnh

“Chiến binh” tuyến đầu trong cuộc chiến

Chiến trường nào cũng biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người dân. Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm của các người chiến sĩ công an trong bộ blouse trắng.

Trong suốt nhiều tháng qua, chúng ta thấy hình ảnh vội vàng những bữa cơm chiều, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu “chống giặc” Covid-19, đã lay động hàng triệu trái tim. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu “chống giặc” Covid-19.

Nhà báo Chu Hương

Tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện CATP Hà Nội, nơi tiếp nhận hàng trăm trường hợp từ nước ngoài về cách ly, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày ứng trực 24/24h, cả tháng không về nhà.

Như chia sẻ của Đại tá, bác sĩ Trần Công Tuấn, Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội, “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào. Tuy khó khăn, cực nhọc là vậy, nhưng với tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Công an Thủ đô, tự hào khoác thêm mình bộ áo blouse, chúng tôi đã vượt qua tất cả, khắc phục để hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ vinh quang, tự hào của mình”.

Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy nhưng “chiến sĩ áo trắng” của CATP, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống dịch vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào, kiều bào và cả du khách quốc tế…

Ấm áp tình quân dân

Chia sẻ về thời kỳ chiến đấu với dịch Covid, Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng CAH Thạch Thất luôn tâm niệm, lực lượng công an trong cuộc chiến đó mang sứ mệnh là “lá chắn thép”, bởi bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn các khu cách ly, lực lượng công an phải “đến từng nhà, rà từng xóm”, sàng lọc các ca nghi nhiễm.

Đối với các đồng chí được tham gia đều là các chiến sĩ được tuyển chọn về sức khỏe, có tinh thần xung kích, trách nhiệm cao, chỉ với mong muốn được chung tay cùng toàn cầu góp công sức nhỏ vào công tác chống đại dịch, là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự, tự hào”, Thượng tá Trần Khải Hoàn chia sẻ.

Như những tia sáng hy vọng xuất hiện từ tình người giữa thời dịch bệnh, Đại úy Nguyễn Chức Năng, Trưởng Công an xã Hữu Bằng, Thạch Thất, không quên được tình quân - dân lúc đó. “Chưa bao giờ lực lượng Công an xã lại có điều kiện gần dân, sát dân đến như vậy. Tôi nghĩ đó cũng là dịp mà lực lượng công an được gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với người dân và nhận được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ từ người dân nhiều nhất”, Đại úy Nguyễn Chức Năng xúc động chia sẻ.

Kỷ niệm mà Đại úy Nguyễn Chức Năng nhớ nhất, đó là một người dân tại xã Hữu Bằng chứng kiến sự vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng công an, đã tự tay may hơn 500 chiếc khẩu trang để bày tỏ tấm lòng tri ân, gửi tặng các chiến sĩ CAH Thạch Thất làm nhiệm vụ trong thời gian dịch bệnh. “Bất kỳ khó khăn nào, nếu có được sự đồng hành, hỗ trợ của người dân thì chúng ta sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó”, Đại úy Nguyễn Chức Năng nói.

Rất nhiều khu cách ly khác đều để lại ấn tượng sâu sắc về những “chiến binh” của đại dịch Covid-19. Ở đấy, còn có các lực lượng như quân đội, y tế, dân quân cùng tham gia phục vụ công tác cách ly, mỗi lực lượng có một nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mục đích đó là chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Những đêm thiếu ngủ, những hộp cơm ăn vội, hay những ngày xa gia đình... sự hy sinh đó của các chiến sĩ công an, đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu cùng các lực lượng khác sẽ mãi mãi là những ký ức không thể nào quên sau cơn đại dịch này.