ANTD.VN - Vì sao Bộ Y tế phải chi viện cho Đà Nẵng đông như vậy? Việc truy vết F0 ra sao? Bao giờ dịch Covid-19 ở Đà Nẵng lên đỉnh?... là những vấn đề nóng được báo chí đặt ra với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo chống dịch ở Đà Nẵng
Trước nhiều vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
- Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam vẫn đang tăng, đa số liên quan tới Đà Nẵng, Bộ Y tế nhận định gì về diễn biến của dịch trong những ngày tới, thưa ông?
- Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và dự báo đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt.
Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt.
- Đến lúc này chúng ta vẫn chưa truy vết được ca F0 (ca lây nhiễm đầu tiên) tại Đà Nẵng. Việc truy vết đang được thực hiện như thế nào?
- Đó không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này. Hiện giờ mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (trường hợp nhiễm COVID-19 lâu rồi) và truy vết những người tiếp xúc với những trường hợp đó để tìm ra những trường hợp bị lây nhiễm gần.
- So với đợt dịch Covid-19 đầu năm, những khó khăn trong giai đoạn 2 của đợt dịch lần này là gì, thưa ông?
- Giai đoạn 1 cũng có xảy ra dịch tại Bệnh viên Bạch Mai, tuy nhiên chỉ có một số công nhân Công ty Trường Sinh và một số điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 khởi phát tại tổ hợp bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại 3 bệnh viện lớn.
Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng.
Khó khăn nữa là bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1.
Nhiều đoàn y bác sĩ, chuyên gia dịch tễ từ trung ương và nhiều tỉnh thành phố được chi viện cho Đà Nẵng
- Những huy động của Bộ Y tế như thế nào cho đợt dịch Covid-19 lần này?
- Bộ Y tế đã phản ứng rất nhanh với dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, ngay từ khi bắt đầu dịch, Bộ Y tế đã cử 6 đội chuyên trách của Bộ Y tế thuộc các bệnh viện, Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế đến Đà Nẵng.
Đến ngày 30-7, Bộ Y tế đã cử Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế với nhiệm vụ toàn quyền huy động nhân lực nguồn lực phục vụ phòng chống dịch gồm 4 đội: đội xét nghiệm, đội điều trị, đội giám sát truy vết, đội truyền thông. Trong đó, đội truyền thông là sự khác biệt so với giai đoạn 1 với mong muốn đem những thông tin chính thống một cách trung thực và nhanh chóng đến với người dân.
- Hiện toàn Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thời gian 14 ngày. Vậy sau 14 ngày thì việc phòng chống dịch tiếp theo như thế nào?
- Việc cách ly theo đúng quy định của Chỉ thị 16 là 14 ngày. Bộ Y tế hy vọng UBND TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng trong thành phố sẽ nỗ lực làm giảm số ca mắc mới.
Như vậy sau 14 ngày chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh và Thành phố sẽ có những chuyển biến từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 19 của Chính phủ.
- Bao giờ thì 3 bệnh viện lớn đang bị phong tỏa ở Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Phục hồi chức năng) có thể mở cửa trở lại?
- Thời gian mở cửa của Bệnh viện C là 07/8/2020; hai bệnh viện còn lại thuộc thẩm quyền của Thành phố Đà Nẵng nên sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.
- Ông có tin tưởng dịch Covid-19 ở Đà Nẵng sẽ sớm được dập tắt?
Bộ Y tế đã triển khai những gì tốt nhất trong việc phòng chống dịch tại Đà Nẵng, tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan mà phải triển khai tốt hơn nữa. Cũng hy vọng mọi người dân tuân thủ theo những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tin tưởng vào sự nỗ lực của ngành y tế trong việc khống chế dịch bệnh.
Hiện giờ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19; Ban chỉ đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có những chỉ đạo rất quyết liệt tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. TP Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; Quảng Nam có 6/12 đơn vị hành chính thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu toàn bộ nhân dân trong những vùng nguy cơ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì chúng ta mới hy vọng dập tắt được dịch.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!