Địa chỉ cuối tuần

ANTD.VN - Cuối tuần này, chủ nhật ngày 5-2 vẫn còn những hoạt động văn hóa liên quan đến Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017. 

ANTĐ Cuối tuần xin được giới thiệu đến các bạn để lựa chọn tham gia. Đầu tiên, vào lúc 8h30 tại Bảo tàng Dân tộc học (Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội) sẽ diễn ra sự kiện “Vui xuân Đinh Dậu 2017 - sắc thái văn hóa Sơn La”. Chương trình sẽ giới thiệu đến công chúng Thủ đô những nét sinh hoạt văn hóa dân gian thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực, khám phá và trải nghiệm. Những nét xuân của vùng Tây Bắc sẽ được giới thiệu qua các hoạt động của người Thái, H’mông, Khơ Mú…

Công chúng có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa của Sơn La như xòe chá (Thái), múa Vêlrguông, hát Tơm tăng bu (Khơmú), thổi khèn (Hmông). Đặc biệt, khi tham gia sự kiện, các bạn còn được tham gia chơi và thi các trò chơi dân gian; tìm hiểu và trải nghiệm với nhiều hoạt động thú vị trong dịp tết như: viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa tứ linh, múa sạp…

Ngày 5-2, tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sẽ diễn ra Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. 16 cộng đồng dân tộc đến từ 16 tỉnh, đại diện cho các dân tộc, vùng miền của cả nước sẽ tham gia Ngày hội vui Tết cổ truyền, tổ chức tái hiện những lễ hội đặc sắc chào đón năm mới, mong muốn sự sinh sôi, nảy nở, phát triển, kết đoàn, mừng xuân mới...

Cuối tuần này, các bạn vẫn có thể đưa con em mình đến không gian hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội để tham gia dự án “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết 2017” do giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Khác với mọi năm, sự kiện năm nay dành cho tất cả những ai yêu thích mỹ thuật, thích trải nghiệm cảm giác khác biệt - các bé, thậm chí các mẹ, các anh chị em bạn bè đều có thể đến để trải nghiệm cảm xúc vẽ một bức tranh đẹp từ tranh dân gian cảm giác sẽ ra sao.

Còn tại phố cổ Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra chương trình “Tết Việt” đến ngày 12-2. Tại không gian phố cổ Hà Nội sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú tại nhiều địa điểm là di tích nổi tiếng. Cụ thể, tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) là triển lãm 3 dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ. Trong đó, sau nhiều năm vắng bóng, tranh Kim Hoàng sẽ được giới thiệu trở lại với công chúng, với những mẫu tranh truyền thống và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách tranh Kim Hoàng.

Nổi bật nhất là bức Thần kê (thường gọi là Gà trống). Bức Thần kê được làm theo khổ lớn 2,2×0,6m. Tại ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) là triển lãm ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam và trải nghiệm không gian đón Tết của một gia đình điển hình Hà Nội xưa. Tại trung tâm Thông tin Di sản phố cổ (28 Hàng Buồm) sẽ diễn ra trình diễn thư pháp, vẽ tranh dân gian và triển lãm “Hoa Văn Đại Việt” trưng bày các sản phẩm ứng dụng hình ảnh hoa văn truyền thống…

Kéo dài đến ngày 28-2 tại Cà phê thứ bảy (3A Ngô Quyền, Hà Nội), triển lãm “Hà Nội phố” - ra mắt nhóm Urban Sketchers Hanoi - thành viên của Hội ký họa đô thị thế giới (Urban Sketchers Group). Được thành lập năm 2016, với gần 400 thành viên, Urban Sketchers Hanoi cùng nhau ký họa và chia sẻ để giữ những hình ảnh di sản đẹp của đô thị, giúp mọi người thêm yêu nơi mình đang sống và quảng bá hình ảnh đẹp đó ra thế giới.

Đến với triển lãm, các bạn sẽ được xem lại những hình ảnh về di sản, hình ảnh đẹp, phong cách sống đặc trưng của Hà Nội qua các bức ký họa được lưu giữ qua thời gian khi Hà Nội đang đổi thay từng ngày với quá trình đô thị hóa và sẽ xóa dần đi những giá trị quý báu vốn có. 

Chúc các bạn và gia đình có ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ!