Đi về đâu, Italia?

ANTĐ - Quo Vadis- Đi về đâu? Một trong những câu người Italia hay dùng lại đang rất hợp với tình cảnh hiện tại của đất nước hình chiếc ủng này. Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chính thức chỉ định cựu ủy viên châu Âu Mario Monti làm Thủ tướng tạm quyền sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức hôm 12-11. Ông Monti giờ đây được giao trọng trách thành lập một Chính phủ mới để chèo lái đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Thủ tướng tạm quyền Italia - Mario Monti

Việc Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức đã chính thức khép lại một thời kỳ chính trị kéo dài gần 20 năm qua ở Italia. Tuy vậy triển vọng tới đây ở đất nước này không biết sẽ diễn biến theo chiều hướng nào.

Ông Berlusconi đã chế ngự chính trường Italia kể từ năm 1993 và sau ba lần lên cầm quyền đã trở thành vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Italia kể từ sau Đại chiến thế giới thứ hai. Thật bi kịch khi kết cục cuối cùng của ông Berlusconi lại như vậy. Bám giữ đến cùng nhưng rồi ông Berlusconi bị áp lực từ mọi phía, đến mức buộc phải từ chức. Bi kịch hơn khi có chuyện người dân reo hò vui mừng khi Thủ tướng Berlusconi từ chức!

Italia là quốc gia nổi tiếng với các thương hiệu toàn cầu như Ferrari, Gucci và Armani, nhưng hiện nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng Euro nghiêng ngả liêu xiêu sau nhiều năm xuống dốc. Và người phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho vấn đề này còn ai khác ngoài Thủ tướng Berlusconi. Năm ngoái, sức sản xuất của Italia thấp hơn năm 2005. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, chỉ số tăng trưởng năm nay của Italia sẽ chỉ đóng khuôn ở mức 0,6% và thậm chí còn có dự đoán, mức tăng trưởng của năm 2012 sẽ còn thê thảm hơn là 0,3%.

Sự tăng trưởng quá chậm chạp của Italia là hậu quả của nạn trốn thuế tràn lan, tham nhũng, tệ quan liêu và tình trạng các chính trị gia được hưởng quá nhiều đặc ân, năng lực sản xuất thấp và hệ thống giáo dục yếu kém. Các chính trị gia Italia có một chế độ đãi ngộ rất hậu hĩnh với mức lương trung bình hàng năm của họ vào khoảng 140.000 Euro. Tính ra, khoản thu nhập của các chính trị gia Italia gần gấp đôi so với Thủ tướng Anh.

Dân Italia cũng bất mãn với việc phải đóng thuế cao ngất ngưởng mà không biết rõ số tiền ấy đi đâu khi điều kiện cơ sở hạ tầng không hề được cải thiện. Đường sá đầy ổ gà, bệnh viện quá tải, không gian vui chơi dành cho trẻ em bị thu hẹp, phương tiện giao thông công cộng thì tồi tàn, hệ thống giáo dục cũng xuống cấp đến mức trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới, chỉ có duy nhất một trường của Italia - Đại học Bologna ở miền Bắc nước này, tỷ lệ thất nghiệp ở Italia khá cao và đặc biệt là nhiều người Italy trẻ tuổi, có tài nhưng không có quan hệ nên bị thất nghiệp. Nhiều người trong số họ bỏ sang các nước như Anh, Mỹ, Australia để tìm kiếm cơ hội việc làm và do đó, gây ra tình trạng chảy máu chất xám... chính là những vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội Italia.

Trong khi ngành sản xuất của Italia như thời trang cao cấp, đồ đạc, ô tô vẫn tăng trưởng đều và ăn nên làm ra nhờ nhu cầu tăng đến từ các nền kinh tế mới nổi nhưng họ tiêu nhiều hơn những gì mà họ kiếm được. Kết quả là Chính phủ phải đối mặt với khoản nợ kếch xù lên tới 1.900 tỷ Euro, ước tính bằng 120% GDP. Mức độ vay nợ công lớn và thâm hụt ngân sách cao trong bối cảnh khủng hoảng tài chính chung trong EU đã là những giọt nước làm tràn ly cho bê bối chính trị. Hậu quả của thời kỳ cầm quyền của ông Berlusconi thật nặng nề và khắc phục nó hiện cũng là khó khăn thách thức lớn nhất và cấp thiết nhất đối với Chính phủ quá độ đang định hình ở Italia. Theo báo chí Italia và châu Âu, với cuộc tổng tuyển cử kế tiếp diễn ra vào đầu năm 2013.

Chính phủ mới của ông Monti có khoảng 18 tháng để thông qua các biện pháp cải cách đầy đau đớn nhằm cắt giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng Chính phủ của ông Monti có thể sẽ không thể đứng vững đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới. Chính trường có ổn định hay không và khủng hoảng trong EU có chững lại hay lại tiếp tục sâu sắc thêm khiến chưa ai dám chắc rồi đây Italia sẽ về đâu và thời kỳ mới sẽ như thế nào.  Với tất cả những gì đang diễn ra ở Italia, sự ra đi của Thủ tướng Berlusconi dường như chưa phải là liều thuốc đặc trị cho Italia.