- Miễn phí vé tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
- Trưng bày cổ vật “Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê”
- Tu sửa cấp thiết Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh
Nơi địa linh sinh nhân kiệt
Lam Sơn- Lam Kinh là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong 10 năm đầy gian khổ (1418-1427) cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê sơ.
Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ, quét sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, thịnh trị cho đất nước, kéo dài 360 năm.
Chính điện hình chữ công (I) gồm 3 toà nhà lớn gọi là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh, kiến trúc mang đậm phong cách thời Lê, kết cấu khung hoàn toàn bằng gỗ lim (ảnh: Khiếu Minh) |
Cũng như các triều đại Lý, Trần để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn, để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ, nơi khi vua lễ bái yết sơn lăng.
Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hoá thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hoá mà của cả dân tộc.
"Đại Việt sử ký toàn thư" từng chép về quá trình xây dựng Lam Kinh: "Năm 1430, sau khi lên ngôi Hoàng đế Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh hay Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội. Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê".
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cùng ghi rõ: "Năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ mất được đem về an táng ở Lam Kinh các điện miếu cũng bắt đầu được xây dựng";
Quy mô công trình kiến trúc Lam Kinh được ghi trong "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú như sau: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia".
Năm 1962, di tích Lam Kinh đã được xếp hạng di tích quốc gia (ảnh: Vân Quế) |
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đất nước, các công trình kiến trúc từng được ghi chép trong chính sử đều đã không còn, nhưng với không gian cảnh quan, nền móng kiến trúc, lăng mộ, bia và nhiều di tích, di vật thời hậu Lê còn lại, Lam Kinh vẫn là một di tích đặc biệt quan trọng trong tiến trình của lịch sử đất nước.
Chính vì thế, ngay từ những năm 1962, di tích Lam Kinh đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 1994, Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh đã được Chính phủ phê duyệt. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi tôn tạo, tránh được sự hoang phế, bảo vệ được nhiều di tích di vật cổ thời Lê.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh đã được tái hiện. Trong số đó có Chính điện Lam Kinh, một kiến trúc gỗ lim rất lớn, với nhiều hạng mục bên trong được dát vàng.
Bắt đầu khởi công tu bổ tôn tạo từ năm 2010, sau 12 năm, tháng 4/2022, Chính điện Lam Kinh chính thức mở cửa đón khách. Chính điện hình chữ công (I) gồm 3 toà nhà lớn gọi là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh, kiến trúc mang đậm phong cách thời Lê, kết cấu khung hoàn toàn bằng gỗ lim (với tổng khối lượng ước tính gần 2.000m3), 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật, vân mây, hoa lá, chạm nổi, chạm bong một số lớp (tùy theo chủ đề và vị trí chạm) độ sâu dao động 10 - 20cm.
Toàn bộ một tầng mái, vách gỗ đố lụa, cửa bức bàn 5 gian, cửa sổ trang trí hoa văn, đục hoa văn trang trí mặt ngoài; vật liệu xây dựng (đá, gạch, ngói…) của Chính điện được phục chế theo mẫu, kiểu dáng và màu sắc từ các hiện vật kiến trúc được phát hiện tại Lam Kinh qua các lần khai quật khảo cổ học.
Phía sau Chính điện là Thái miếu. Chín toà Thái miếu có kích thước gần vuông, diện tích các toà tương đối gần bằng nhau từ 180m2 – 220m2 xếp theo hình cánh cung ôm lấy Chính điện Lam Kinh. Thái miếu là nơi thờ cúng các vua Thái hoàng, Thái hậu triều đại Hậu Lê. Từ 2005 đến nay đã phục hồi tôn tạo 5 toà, theo kiến trúc thời Lê Trung Hưng bằng gỗ lim, mái lập ngói mũi hài, nền lát gạch bát giã cổ, vách đố lụa cửa bức bàn.
Cây lim hiến thân để phục hồi Chính điện
Đến Lam Kinh bây giờ, du khách sẽ được nghe kể về quá trình phục hồi Chính điện. Trong số 138 cây cột dựng Chính điện, cây cột chính được lấy từ cây gỗ lim từng tồn tại suốt hơn 600 năm ngay trong quần thể của di tích Lam Kinh. Đó là một sự trùng hợp đến kỳ lạ, sự trùng hợp này nối tiếp trùng hợp kia. Đầu tiên là cây lim cổ thụ, ước tính khoảng 600 năm tuổi, đang xanh tươi thì bất ngờ trút hết lá ngay khi Dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt vào năm 2010. Nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công chính điện Lam Kinh hoàn thành.
Với ý nghĩa là cây bản địa, sinh trưởng trong rừng Lam Kinh, vì thế, khi đưa vào công trình, cây lim được định vị là cây cột cái, nằm trong hậu điện (ảnh: Vân Quế) |
Sự việc được báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, nhân dịp giỗ Vua Lê Thái Tổ, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc”, cây lim đã được chặt hạ. Thêm một điều bất ngờ nữa xảy ra, thường thì đặc tính của cây gỗ lim khi chết sẽ bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, ruột cây vẫn đặc nguyên một khối. Đặc biệt là, khi róc bỏ hết vỏ, lõi cây còn lại có số đo đường kính thân gốc trùng khít với chân đế đá cột cái của Chính điện xưa để lại là 82 cm. Ngọn cây khoảng 0,65cm vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột góc và một thượng lương. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau đó là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.
Sau này, nhiều nhà khoa học lâm nghiệp đã đưa ra những tính toán, với tuổi cây khoảng trên dưới 600 năm, có thể tuổi cây lim trùng với tuổi của vua Lê Lợi, hoặc trùng với thời điểm khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, hay là trùng với thời điểm ông lên ngôi Hoàng đế.
Với ý nghĩa là cây bản địa, sinh trưởng trong rừng Lam Kinh, vì thế, khi đưa vào công trình, cây lim được định vị là cây cột cái, nằm trong hậu điện (nơi nghỉ ngơi của vua trước đây), là chốn cung cấm linh thiêng nhất. Khi dựng 138 cột trong chính điện, cột cái cũng được dựng lên đầu tiên. Cây cột này đứng gần long sàng, nơi ngủ của đức vua Lê Thái Tổ giống như đứng canh giấc ngủ cho vua vậy.
Lạ hơn nữa, tại vị trí cây lim "hiến thân" đã sống khoảng 600 năm, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã có nhiều lần trồng vào đó cây lim nhỏ để thay thế. Tuy nhiên, không có cây con nào sống được.
Cây ổi cười ở Vĩnh Lăng
Sau khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu là Thuận Thiên. Ở ngôi được 6 năm, nhà vua băng hà vào năm 49 tuổi và đươc táng ở Vĩnh Lăng.
Vĩnh Lăng nằm cách khu điện miếu khoảng 50m, trong một không gian thâm nghiêm. Trước Lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng linh thú tạc bằng đá đối xứng nhau. Các nhà nghiên cứu lịch sử từng có nghiên cứu và xác nhận tượng ở đây có niên đại tuyệt đối là năm 1433 khi vua Lê Thái Tổ mất.
Hướng dẫn viên Di tích Lam Kinh giới thiệu về Vĩnh Lăng và cây ổi cười trong khuôn viên lăng |
Đặc trưng nghệ thuật tạo tác các tượng người và con thú có sự khác biệt so với các lăng mộ khác, với kích thước nhỏ bé, mang đậm phong cách dân gian. Những pho tượng này là nguồn sử liệu rất có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá, đồng thời có giá trị khi nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Đến với Vĩnh Lăng, ngoài việc được nghe về chiến tích, công trạng cùng những thành tựu kiến thiết đất nước của đức vua Lê Thái Tổ, du khách sẽ được biết thêm cả những câu chuyện "ngoài chính sử" rất thú vị. Đó là chuyện về "cây ổi biết cười". Cây ổi biết cười có lá nhỏ hơn giống ổi bình thường, cành cây với những hình dáng như một gốc gỗ lũa, quả ra quanh năm. Điều đặc biệt, du khách chỉ cần gãi rất nhẹ vào thân hoặc gốc cây thôi là những chiếc lá dù ở tít trên ngọn cây cũng rung lên như là có một cơn gió vừa thổi qua.
Cây ổi chỉ ở trong lăng mới có hiện tượng "cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng ấy. Người dân địa phương ở đây khẳng định rằng nơi đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, là nơi thiêng liêng. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong khu di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy.
Cây ổi này do ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện, Nam Định cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả.
Cây Đa Thị ở sân Rồng
Đi qua cây cầu đá dẫn vào chính điện Lam Kinh, bất kỳ du khách nào cũng sẽ có ấn tượng đặc biệt khi trước mắt mình là 1 cây đa rất to nằm ngay phía trái cổng vào nhìn ra hướng sân chầu. Cây đa cao khoảng 40 m, gốc cây khoảng 10 người ôm. Cây đa mọc cao, rễ có buông xuống, trông vừa uy nghi, cổ kính vừa nhẹ nhàng thanh thoát.
Cây đa mọc cao, rễ có buông xuống, trông vừa uy nghi, cổ kính vừa nhẹ nhàng thanh thoát (ảnh: Khiếu Minh) |
Theo thuyết minh di tích của các Hướng dẫn viên ở Lam Kinh thì cây đa này đã trên 300 năm tuổi. Nhưng điều bất ngờ thú vị nhất về cây cổ thụ này đó là, trước khi là cây đa thì vị trí này là một cây thị. Tức là, khoảng hơn 300 năm trước, vì một lý do nào đó, đã có một cây đa mọc lên ngay cạnh gốc thị. Cây đa là lớn nhanh, bao bọc cây thị, rồi thì dần dần hai cây hóa thành 1 gốc. Người dân và du khách gọi luôn cái tên "Cây Đa Thị". Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, hàng năm năm đều ra quả, quả tuy nhỏ nhưng thơm lừng.
Đến năm 2007, cây thị chết, hiện chỉ còn mỗi cây đa. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, đã có thêm một cây thị nhỏ mọc lên, hiện tại, cây thị này đã cao khoảng gần 2m. Nhiều người đoán rằng, đây là một mầm còn lại của cây thị trước đây. Nhưng cũng có nhiều người thích thú với lối suy nghĩ rằng, cây thị già chết đi đã hóa thân thành 1 cây thị mới để cây đa không....cô đơn.
Năm 2013, cây Đa Thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Hiện tại hầu hết các công trình hạng mục trong khu di tích đã được nghiên cứu khai quật khảo cổ học với 7 đợt, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, bảo vệ được những di tích gốc đang có nguy cơ bị huỷ hoại, ngăn chặn được tình trạng hoang phế, đang từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.
Sở VHTTDL Thanh Hoá và Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh tiếp tục tổ chức thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho từng công trình di tích; sưu tầm nghiên cứu tập hợp tư liệu, tài liệu văn hoá vật thể, phi vật thể, xây dựng kho tư liệu, kho hiện vật thời Hậu Lê phục vụ cho công tác tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học về di tích. Đồng thời, tập trung nghiên cứu chỉnh trang phòng trưng bày, bổ sung hiện vật trưng bày ấn tượng phong phú đủ lớn để phục vụ tham quan học tập, nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc, ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hoá di tích Lam Kinh triều đại Hậu Lê.