Đi học thời… Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Còn hơn 1 tuần nữa là đến ngày tựu trường, nhưng cái cảm giác chuẩn bị cho năm học mới lần này đã không còn giống như mọi khi. Lũ trẻ có đến trường với bạn bè sau ngày khai giảng hay không thì vẫn chưa thể xác định, bởi việc khống chế dịch bệnh còn chưa biết kết quả thế nào.
Các em học sinh đeo khẩu trang ngồi học để phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: LAM THANH

Các em học sinh đeo khẩu trang ngồi học để phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: LAM THANH

Nhà tôi có 3 đứa trẻ trong độ tuổi trung học phổ thông. Trước thềm năm học mới, bên cạnh việc chuẩn bị “sách mới, áo hoa” thì điều quan trọng hơn là phải đảm bảo mỗi đứa có một cái smartphone hoạt động tốt, tăng dung lượng thuê baoInternet cho việc học online.

Học online được coi là một giải pháp tình thế hữu hiệu khi dịch bệnh bùng phát vào nửa cuối của năm học trước. Nhưng, giải pháp tình thế vẫn chỉ là tình thế. Tôi không nghĩ nó sẽ là một giải pháp hữu hiệu lâu dài cho năm học mới này. Sắm thêm vài cái smartphone cho lũ trẻ học bài là một khoản đầu tư không nhỏ đối với rất nhiều người. Nhưng, dẫu sao, điều này còn có thể miễn cưỡng để đầu tư. Vấn đề đau đầu hơn là chúng sẽ sử dụng cái smartphone đó như thế nào?

Các trường học từng áp dụng nhiều biện pháp giãn cách học sinh để phòng chống dịch Covid-19

Các trường học từng áp dụng nhiều biện pháp giãn cách học sinh để phòng chống dịch Covid-19

Cô bạn tôi là phụ huynh của học sinh tiểu học. Mỗi buổi học online của con cũng là buổi học của mẹ. Mọi thao tác học qua điện thoại đều là điều khó khăn với đứa nhỏ còn chưa thuộc mặt chữ. Với phụ huynh của học sinh trung học cơ sở thì câu chuyện còn đau đầu hơn. Mọi nỗ lực hạn chế lũ trẻ sử dụng smartphone trong bao năm qua đều không còn ý nghĩa. Lũ trẻ nhà tôi đã thuộc lòng lời thoại trong các Vlog, có đêm chúng nói mơ bằng khẩu quyết trong games. Không ai có thể kiểm soát hậu quả của Internet đối với bọn trẻ khi đó là phương tiện bắt buộc thay cho việc đến trường, nhất là khi bố mẹ phải đi làm cả ngày. Những hệ lụy này không phải là không thể giải quyết, nhưng điều kiện cần là sự chủ động. Tuy nhiên, đến lúc này, đến trường hay online vẫn luôn là nỗi niềm phấp phỏng.

“Trẻ cần phải được đến trường, hoặc chấp nhận một năm học “bình thường mới”. Nhưng dù lựa chọn thế nào thì cũng nên có một quyết định rõ ràng và lâu dài. Sự phấp phỏng, không chắc chắn chính là điều vô cùng tai hại đối với công tác giáo dục trẻ em”.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Năm học mới cận kề. Mọi năm, trước mùa tựu trường, câu chuyện thời sự lớn nhất là các khoản đóng góp. Nhưng năm nay, nỗi niềm của phụ huynh là cơ hội đến trường của lũ trẻ trong hoang mang dịch bệnh. Đợt sóng thứ nhất qua đi, đợt sóng thứ hai đã đến, và còn biết bao nhiêu đợt sóng nữa vẫn còn trực chờ? Kinh tế sa sút, dù khó, nhưng dường như vẫn là điều có thể đánh đổi với sự an toàn. Nhưng quyền được đến trường để học hành một cách tử tế của lũ trẻ thì sao? Điều này có thể đánh đổi được hay không?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Trẻ cần phải được đến trường, hoặc chấp nhận một năm học “bình thường mới”. Nhưng dù lựa chọn thế nào thì cũng nên có một quyết định rõ ràng và lâu dài. Sự phấp phỏng, không chắc chắn chính là điều vô cùng tai hại đối với công tác giáo dục trẻ em. Chỉ hơn tuần nữa thôi, năm học mới đã bắt đầu rồi, đến trường hay không, đã đến lúc cần có một kế hoạch ứng phó dài hạn cho lũ trẻ của chúng ta.

Tin đọc nhiều