Đi bộ cho quen

ANTĐ - Đề án “Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ” vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP Hà Nội. Bắt đầu từ 1-12 này ngoài Hàng Đào-Đồng Xuân, Hà Nội sẽ có thêm 6 tuyến phố đi bộ, nâng các phố đi bộ lên 10 tuyến phố. Đồng thời vào hai ngày nghỉ cuối tuần các phương tiện đi lại trên các tuyến phố đi bộ cũng bị cấm từ 6-22h. Như vậy, ngoài các con phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, 6 tuyến phố bao quanh hồ Gươm, người Hà Nội và du khách có thể thênh thang tản bộ cả ban ngày và buổi tối cuối tuần, dịp lễ tết.

Dưới cái nhìn của một giáo sư đã từng giảng dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại trường Đại học Paris-Sorbonne, giải bài toán giao thông đô thị cần được soi xét tới tất cả các góc cạnh kinh tế, giáo dục, xã hội, hành chính, thương mại dịch vụ. Quy hoạch và cách tổ chức đô thị ảnh hưởng trực tiếp lên giao thông đô thị. Gần đây đã có những đề xuất như hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí nhằm hạn chế xe cộ vào trung tâm, phân luồng phương tiện, bố trí lệch giờ làm việc, học tập…

Theo vị giáo sư, có thể những giải pháp này thành công ở các nước trong khu vực và thế giới nhưng ở nước ta thì khác. Khi đi xe máy mà vẫn ùn tắc, kẹt xe thì giải pháp đi bộ sẽ cho phép giảm áp lực xe máy, ô tô trên hệ thống đường xá đô thị. Ở nhiều nước tiên tiến châu Âu, đi bộ nhất thiết phải kết hợp với hệ thống metro (tàu điện ngầm) hoặc tàu trên cao thì mới đạt tới hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, giải pháp metro kết hợp với đi bộ tiện nhất cho khách bộ hành thì lại rất tốn kém cho công qũy. Bởi vì xây dựng một tuyến metro ngốn tới hàng tỷ USD, trong khi chờ đợi cần phải sớm quy hoạch các văn phòng, công sở và các cao ốc quy tụ xung quanh, các trạm metro, tàu điện trên cao.

Trong khi trông chờ một tương lai giao thông đô thị “lý tưởng” nhất thì Hà Nội, TP.HCM phải hướng tới một đô thị đi bộ. Đô thị này có thể khởi đầu bằng những tuyến phố, khu phố đi bộ. Song nó không đơn giản chỉ là cấm phương tiên cơ giới, mà còn đòi hỏi rất nhiều thứ. Ngoài việc phải quy hoạch hạ tầng kỹ thuật còn phải tổ chức sắp xếp cuộc sống, sinh hoạt trong khu dân cư, mỗi gia đình còn phải chấp nhận những thay đổi ngoài ý muốn như phương tiện cá nhân, giờ giấc. Chính quyền còn phải tổ chức một xã hội đảm bảo cho người dân không bị xáo trộn quá lớn trong công việc, sinh hoạt, trong đó có cả chuyện đi lại học hành của học sinh.

Đó là những vấn đề phải bàn và tính đến khi hướng tới một khu phố hoặc tuyến phố đi bộ. Trước mắt, theo Sở GTVT khó khăn lớn nhất phải tháo gỡ khi thực hiện thí điểm 10 tuyến phố đi bộ là việc tổ chức vấn đề đi lại và bố trí các điểm để xe cho người dân. Khi thực hiện đề án đi bộ này sẽ có tới 3.253 nhân khẩu sinh sống trên 10 tuyến phố bị ảnh hưởng trực tiếp và người dân ở 44 phố lân cận bị ảnh hưởng gián tiếp. Sau nhiều tháng khảo sát Sở GTVT cho biết, hiện các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đang sở hữu 1.491 xe máy, 38 ô tô. Đó là chưa kể hàng nghìn phương tiện của du khách đến phố đi bộ cũng như khách vãng lai, người buôn bán, kinh doanh và các dịch vụ. Trên cơ sở này Sở GTVT dự kiến sẽ bố trí xung quanh khu vực 10 tuyến phố đi bộ 14 điểm trông giữ xe với tổng diện tích 5.670m2.

Hà Nội thí điểm 10 tuyến phố đi bộ có thể “khơi dậy” thói quen đi bộ lâu nay đã bị mất đi. Đi bộ không chỉ để “bách bộ”, hóng mát tận hưởng giây phút thư giãn. Người ta còn muốn mua sắm hàng hóa, thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Liệu rồi những bãi gửi xe với mức giá “chặt chém” vô tội vạ hoặc những nút giao cắt với phố đi bộ có khiến người dân ngán ngại không muốn “cuốc bộ”? Làm sao phải khuyến khích người dân đi bộ cho quen, mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ.