Đề xuất thu phí lưu hành phương tiện: Không khả thi!

ANTĐ - Đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ và phí ra vào nội đô giờ cao điểm của Bộ GTVT đã khiến dư luận “sốc” bởi mức phí phải đóng hàng năm rất cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thu phí phương tiện như vậy không làm giảm ùn tắc mà chỉ thêm gánh nặng cho người dân.
Phí cầu đường là một trong nhiều loại phí các phương tiện đang phải “oằn mình” gánh

Loạn phí trên đầu phương tiện

Cụ thể, theo tờ trình của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất, đối với xe máy, mức phí lưu hành hàng năm từ 500.000 - 1 triệu đồng, còn với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng) mức phí sẽ là 20-50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các loại phương tiện khi ra vào nội đô giờ cao điểm sẽ phải mất phí với mức từ 30-50.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, năm 2011, Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ quỹ bảo trì đường bộ thu theo đầu phương tiện, như vậy, nếu Bộ này lại tiếp tục đề xuất phí lưu hành đường bộ thì có trùng nhau hay không. Mặt khác, việc thu phí lưu hành đường bộ được Bộ GTVT căn cứ và xuất phát từ quan điểm nào, bởi không cẩn thận sẽ thành phí chồng phí. “Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân cũng không mấy dễ thở. Trong khi đó, một loạt các loại phí liên quan đến phương tiện cũng đã đồng loạt tăng như thuế trước bạ, đăng ký biển số xe… Nếu lại thêm loại phí lưu hành đường bộ đổ lên đầu phương tiện nữa thì e quá nhiều, tăng gánh nặng cho người dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Cùng chung quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, trường ĐH GTVT cho rằng, Bộ GTVT chưa làm rõ được mục đích của việc thu phí lưu hành phương tiện để làm gì. “Nếu cho rằng, thu phí lưu hành để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc thì không hợp lý”. Hơn nữa, cũng cần phải tính toán, nếu thu phí sẽ đẩy chi phí sản xuất đầu vào tăng theo.

Phí vào nội đô - khó thực hiện

Còn đối với phí ra vào nội đô giờ cao điểm, Bộ GTVT đề xuất thu phí các loại xe ô tô, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe buýt. Buổi sáng từ 6 - 8h30, buổi chiều từ 16 - 19h hàng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội đô thành phố, thông qua các trạm thu phí và chỉ thu chiều vào với mức dự kiến 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi…). Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ giao UBND các tỉnh, thành quy định phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương. Mục tiêu của việc thu phí này nhằm giảm ùn tắc trong khu vực nội đô vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương án này của Bộ GTVT là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như các ngành, địa phương cần làm rõ, thế nào là xe ô tô cá nhân. Vì, có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong khu vực nội đô. Bên cạnh đó, với người ở các tỉnh, thành khác về Hà Nội làm việc, họ không muốn mất phí ra vào nội đô giờ cao điểm, vậy, có loại hình phương tiện công cộng nào để đưa họ vào trung tâm hay không? Thêm một vấn đề nữa, Hà Nội rất nhiều đường ngang, ngõ tắt, phải tổ chức thu thế nào để không gây ùn tắc thêm. Còn anh Hoàng Trung Dũng, nhà ở Nguyễn Bỉnh Khiêm băn khoăn, với những hộ dân sinh sống trong khu vực nội đô và có ô tô riêng, vậy, khi về nhà vào giờ cao điểm có mất phí không?

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, với mức phí ra vào nội đô giờ cao điểm khá cao như trên, các phương tiện sẽ tính toán để không đi trúng giờ cao điểm, như vậy, sẽ gây ra ùn tắc cục bộ ở vòng ngoài, chờ qua giờ “hiểm” để vào nội đô. Còn theo ông Khuất Việt Hùng, nếu thực hiện thu phí ra vào nội đô giờ cao điểm để tránh ùn tắc thì phải tính phương án sẽ thu như thế nào, còn thu như các cổng thu hiện nay là rất khó thực hiện.