Đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu: Gạt nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi cuộc chơi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc triển khai thực hiện nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu mới được áp dụng chưa lâu thì mới đây, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) lại cho biết, đang tính đến chuyện tiếp tục nâng lên 1.000 cổ phiếu.

Đây là giải pháp mà đơn vị đề xuất cho rằng sẽ giảm tải số lượng lệnh giao dịch trên sàn, qua đó khắc phục tình trạng “nghẽn lệnh” thời gian gần đây.

Nâng lô để giảm tải hệ thống

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động nhất từ trước đến nay với số lượng tài khoản mở mới lập kỷ lục và thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao xấp xỉ 20.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Tuy nhiên, cùng với thanh khoản dồi dào thì hệ thống giao dịch vốn thời gian dài chưa được nâng cấp đã trở nên quá tải, thường xuyên nghẽn lệnh, gây bức xúc trong giới đầu tư.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra một số giải pháp như: nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô trên HoSE để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; tạm thời chuyển giao dịch một số mã cổ phiếu niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) TP.HCM (HoSE) sang SGDCK Hà Nội (HNX) để giảm tải cho hệ thống giao dịch tại HoSE; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch…

Đáng nói, trả lời báo chí mới đây, tân Tổng giám đốc SGDCK TP.HCM Lê Hải Trà cho biết, đơn vị này đã tính đến giải pháp tạm thời là nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu trên HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống. CEO HoSE cho hay, vấn đề này đã được HoSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả.

Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. “Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp”, ông Trà trả lời trên báo chí.

Cũng theo lãnh đạo HoSE, trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ và nhà đầu tư có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.

Bảo vệ hay đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ ra ngoài cuộc chơi?

Đề xuất của HoSE, đáng nói, nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia. Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống.

“Giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động” – ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm. Do đó, ông cho rằng, trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân thì việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu (nếu có) sẽ khép chặt hơn cánh cửa chạm vào các cổ phiếu tốt của họ. Do đó, đề xuất này của HoSE đang gây bức xúc đối với rất nhiều nhà đầu tư.

Anh Nguyễn Hữu Đạt, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, hiện nay, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp uy tín có thị giá tương đối lớn. Đơn cử như mỗi cổ phiếu SAB (Sabeco) đang giao dịch ở mức giá xấp xỉ 183.000 đồng, MWG (Thế giới di động) trên 136.000 đồng, VIC (Vingroup) xấp xỉ 107.000 đồng, VHM (Vinhome) khoảng 101.000 đồng; VNM (Vinamilk) 104.500 đồng… Hàng loạt cổ phiếu khác như VCB, GAS, MSN, PNJ, FPT, PLX, BVH… cũng có thị giá xấp xỉ 100 nghìn đồng/cổ phiếu

“Nếu như với lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu thì nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra khoảng một vài chục triệu đồng có thể mua được những cổ phiếu này. Tuy nhiên nếu nâng lên 1.000 cổ phiếu thì số tiền tối thiểu phải bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng mới mua được. Đây là con số quá lớn đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi, chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào những cổ phiếu kém chất lượng” – anh Đạt bức xúc.

Được biết, việc nâng lô giao dịch tối thiểu nêu trên chưa được HoSE trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính. Đến thời điểm này, cũng chưa thấy cơ quan quản lý có quan điểm về đề xuất này.