Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về cưỡng chế khấu trừ lương, tiền từ tài khoản

ANTD.VN - Tại Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Công an đã đề xuất các quy định mới về khấu trừ lương, khấu trừ tiền từ tài khoản…

Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm 5 chương, 44 điều, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế; những tài sản không được kê biên; tổ chức thi hành các biện pháp cưỡng chế cụ thể…

Về biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, dự thảo nêu rõ, đối tượng bị áp dụng biện pháp này là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức; Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần, tỷ lệ như sau:

Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng; Với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế mà cá nhân bị cưỡng chế đã chấm dứt hợp đồng có hưởng lương hoặc thu nhập thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ của cơ quan có thẩm quyền thì thì được coi là hành vi cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài biện pháp trên, dự thảo còn quy định cụ thể về việc khấu trừ tiền từ tài khoản. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi có yêu cầu.

Trường hợp trong tài khoản không còn số dư hoặc còn nhưng không đủ để khấu trừ thì tổ chức tín dụng sau khi khấu trừ số tiền hiện có phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng biết để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

Nếu trong tài khoản của cá nhân, tổ chức còn số dư mà tổ chức tín dụng không thực hiện việc trích chuyển tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế khấu trừ của người có thẩm quyền thì tổ chức tín dụng bị xử lý theo quy định của pháp luật.