Đề xuất lập Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy không lấy nguồn từ ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Dự thảo đề cương xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan soạn thảo đã đề xuất thành lập Quỹ an toàn PCCC. Quỹ này không lấy nguồn từ ngân sách.

Về nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, dự thảo nêu rõ, nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm: Ngân sách Nhà nước cấp; Thu từ bảo hiểm cháy, nổ;

Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể về nguồn thu, mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là quỹ được thành lập ở cấp Trung ương do Bộ Công an quản lý; cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không bao gồm ngân sách Nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Nguồn tài chính của Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác.

Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động sau:

Hỗ trợ kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các khoản chi khác cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được ngân sách Nhà nước đảm bảo;

Hỗ trợ kinh phí cho công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát, thông tin báo cháy, truyền tin báo sự cố, quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thưởng đột xuất bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Hỗ trợ tiền trợ cấp đột xuất đối với cơ quan, tổ chức, gia đình và người trực tiếp tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Dự thảo cũng nêu rõ, việc quản lý, sử dụng Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm đúng mục đích, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.