Đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với nhân viên trường học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc chỉ được hưởng lương cơ bản theo hệ số, không được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp như nhà giáo khiến nhiều nhân viên trường học xin nghỉ để chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện nhân viên trường học chỉ hưởng lương cơ bản theo hệ số, không được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp như nhà giáo nên đời sống vật chất còn khó khăn.

Hiện nhân viên trường học chỉ hưởng lương cơ bản theo hệ số, không được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp như nhà giáo nên đời sống vật chất còn khó khăn.

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT hiện nay việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo còn chưa thống nhất giữa các địa phương do sự chồng chéo trong các văn bản quy định về việc phân vùng để xác định đối tượng, mức chi trả; do sự sáp nhập, điều chỉnh loại đơn vị hành chính dẫn đến việc điều chỉnh mức chi trả chưa kịp thời; do quy định tại văn bản còn chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến cách xác định đối tượng hưởng còn khác nhau...

Bên cạnh đó, nhân viên trường học chỉ hưởng lương cơ bản theo hệ số, không được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp như nhà giáo nên đời sống vật chất còn khó khăn. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều vị trí việc làm nhân viên không tuyển dụng được người làm việc, nhiều nhân viên xin nghỉ để chuyển đổi nghề nghiệp…

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thay thế Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc; việc phân chia đơn vị hành chính được điều chỉnh để thống nhất với các quy định hiện hành của pháp luật; quy định rõ ràng hơn về đối tượng được hưởng và không được hưởng phụ cấp ưu đãi...

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT còn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Đến thời điểm này, dự thảo Thông tư đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ, ngành có liên quan; ý kiến của 63 tỉnh/thành phố với sự tham gia góp ý của hơn 585.000 giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Nhiều nội dung quy định tại dự thảo Thông tư nhận được ý kiến đồng thuận của trên 90% người tham gia góp ý; dự thảo Thông tư được các đại biểu đánh giá cao, nếu được ban hành sẽ tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phân công, bố trí giáo viên theo quy định hiện hành tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.