Đề xuất bổ sung nhiều đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Theo Bộ Tài chính, dù qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB.

Cụ thể như: đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện;

Thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội; chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Do đó, yêu cầu của thực tiễn là cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Trò chơi điện tử trên mạng sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Trò chơi điện tử trên mạng sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Việc xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đặt ra mục tiêu cụ thể là mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường; khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

Theo đó, Dự thảo đề xuất 4 chính sách thực hiện như sau:

Thứ nhất: Mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp).

Trong đó, nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...

Thứ hai: Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Trong đó, nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Giải pháp là bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế bảo vệ môi trường, Tiêu chuẩn Việt Nam về Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô...).

Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.