- Năm 2025: Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng
- Áp dụng biện pháp bảo đảm thu hồi hơn 26.215 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng
- Bộ trưởng Lương Tam Quang: Số vụ tội phạm về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, xử lý nhiều hơn 20,55%
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, năm 2024, công tác tiếp công dân có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, đạt kết quả tích cực.
Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp tiếp công dân ở một số địa phương, được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.
So với năm 2023, công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm cả 3 tiêu chí (giảm 7,2% về số lượt, 7,3% về số người và 1,5% về số vụ việc); số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ giảm 16,8%, đến các Bộ, ngành giảm mạnh 39,6%. Việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (92%), tiếp theo là cấp huyện (85%) và cấp tỉnh (81%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 48%.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày cáo cáo thẩm tra |
Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, năm 2024 các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 480.233 đơn, tăng 6%; đã xử lý 471.229 đơn, chiếm tỷ lệ 98,1%. So với năm 2023, số đơn do các cơ quan tiếp nhận đều tăng. Tuy nhiên, trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 80% (năm 2023 là 76,8%), trong đó ở Thanh tra Chính phủ là 99,5%, ở Bộ, ngành là 60%, ở địa phương là 84,3%. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các Bộ, ngành nhưng số đơn đủ điều kiện xử lý lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ở địa phương để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Về kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4% cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Về kết quả giải quyết, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 34,6%, tăng mạnh so với năm 2023 (23,2%) cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa được khắc phục, thậm chí có phần còn nặng nề hơn...