Để không quá phụ thuộc vào Facebook

ANTĐ - “Ăn Facebook, chơi Facebook, ngủ Facebook” ngày càng đúng với người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Sự phổ biến của Facebook bắt nguồn từ nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin mạnh mẽ, chưa kể công nghệ cũng góp phần hỗ trợ rất nhiều khi các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng giúp cho việc sử dụngFacebook tiện lợi hơn bao giờ hết.
 

Có lẽ hiếm có người dùng Facebook nào chưa từng trải qua những giây phút bức bối, khó chịu khi đột nhiên mạng xã hội lớn nhất thế giới không thể truy cập được. Trong bối cảnh không thể chủ động xử lý mà chỉ có thể… chờ đợi, lời khuyên dành cho người dùng Facebook là cần có những phương án dự phòng để đảm bảo khả năng kết nối và chia sẻ thông tin ngay cả khi Facebook bị “sập”. 

Phương án dự phòng hiệu quả và hợp lý mà tác giả khuyến nghị là mạng xã hội “140 ký tự” Twitter và mạng xã hội Google+. 

Có thể nói điểm yếu chung của cư dân mạng Việt Nam là “ngại” tiếp xúc với những yếu tố công nghệ mới. Đặc điểm này ngăn trở rất nhiều điều trong cuộc sống, khi công nghệ đang ngày càng làm thay hiệu quả nhiều công việc, giúp nhàn sức và tăng cường độ chính xác. 

Hầu hết cư dân mạng nước ta “khám phá” xong Facebook thì hài lòng với dịch vụ này mà bỏ qua các mạng xã hội hữu ích khác. Trong khi ở các nước phát triển, Twitter thậm chí còn được “chuộng” hơn Facebook nhờ thiết kế chia sẻ thông tin vô cùng nhanh chóng, ngắn gọn và buộc người dùng phải tìm ra cách chia sẻ thông tin súc tích nhất.

Do vậy, cách thức đối phó hữu ích nhất khi Facebook bị lỗi là chuyển sang “sinh hoạt” ở Twitter hoặc Google+. Thử tưởng tượng, trong lúc không thể truy cập Facebook mà lại có chuyện cần chia sẻ, Twitter hay Google+ sẽ trở thành kênh kết nối đầy chất lượng và hiệu quả, kể cả trong trường hợp tránh bị phụ thuộc vào Facebook. 

Tất nhiên, điểm cốt lõi ở mạng xã hội không nằm hoàn toàn ở các tính năng tiện ích, mà quan trọng nhất là cộng đồng sinh hoạt có đông đảo hay không, gồm nhiều bạn bè của người dùng không. Do vậy, giải pháp dự phòng mà tác giả đưa ra chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi nhiều người dùng có chung ý thức về việc đa dạng hóa mạng xã hội. Ngoài Twitter và Google+, thế giới còn nhiều mạng xã hội khác hiện cũng đang rất phát triển như LinkedIn (mạng xã hội chuyên về nghề nghiệp – kênh tham khảo lý lịch công việc cá nhân phổ biến), Snapchat (chia sẻ ảnh và video trong khoảng thời gian nhất định rồi tự xóa)… 

Để khai thác hết tiện ích từ các trang mạng xã hội vốn có những đặc trưng riêng, người dùng cần tìm thêm các nguồn thông tin khác để tham khảo. 

Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho độc giả ý thức về việc mở rộng các kênh mạng xã hội của mình để không quá bị phụ thuộc vào Facebook.