Mạng xã hội “lấn sân” mua sắm

ANTĐ - Các mạng xã hội phổ biến nhất thế giới như Facebook, Twitter… có thể trở thành mạng “mua sắm xã hội“ lớn nhất toàn cầu khi có kế hoạch “lấn sân” sang lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh.
Mạng xã hội “lấn sân” mua sắm ảnh 1
Sự lấn sân của các mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook và Twitter
sẽ tác động lớn tới lĩnh vực mua sắm thương mại

Hai trang mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook và Twitter vừa thông báo đang lên kế hoạch phát triển dịch vụ bán hàng qua mạng ngay trên các trang web của mình. Đây được xem là bước đi nhanh nhạy của hai “ông lớn” mạng xã hội nhằm tấn công sang thị trường mua sắm xã hội, hay còn gọi là xã hội thương mại điện tử (Social commerce, viết tắt là    S-ecommerce)  trực tuyến, đang phát triển nhanh trên toàn cầu.

Hiện thị trường thương mại điện tử đang bị chi phối của các công ty mua sắm trực tuyến hàng đầu như Amazon, Ebay… và đặc biệt là Alibaba với lợi thế tuyệt đối của thị trường có hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Trong khi đó, về lượng người dùng thường xuyên hay thành viên thì Amazon, Ebay… và cả Alibaba đều không thể sánh được với mạng xã hội, nhất là Facebook với khoảng 1,32 tỷ người đăng nhập ít nhất mỗi tháng 1 lần.

Trong khi đó, cuộc thăm dò do hãng tiếp thị DigitasLBi thực hiện và công bố tháng 9 vừa qua cho thấy, mặc dù chỉ có 5% người Mỹ đã thực hiện mua hàng trên một trang truyền thông xã hội nhưng có khoảng 20% người cho biết họ sẽ cân nhắc tham gia loại hình mua sắm này. Tỷ lệ này có thể tăng lên 42% người tham gia nếu thông tin cá nhân và tài khoản của họ được bảo mật tốt. Các chuyên gia ước tính chi tiêu vào “mua sắm xã hội” có thể đạt tới 56 tỷ USD nếu 20% người Mỹ tham gia.

Do vậy, với lợi thế sở hữu một lượng người sử dụng khổng lồ trên toàn thế giới, cả Facebook và Twitter dự định sẽ “lấn sân” sang loại hình thương mại điện tử mang tên “mua sắm xã hội” nhằm cung cấp cho khách hàng có những trải nghiệm mua sắm trên mạng gần giống ngoài đời thực. Facebook và Twitter cùng đang bắt tay triển khai kế hoạch phát triển dịch vụ bán hàng qua mạng ngay trên chính các trang web của mình.

Nhằm tận dụng lợi thế của trang mạng xã hội, Facebook  và Twitter bên cạnh việc tạo ra một gian hàng trực tuyến cho phép người tiêu dùng nhấn nút “Buy” (mua) để lựa chọn sản phẩm, còn cho phép khách hàng chia sẻ và thảo luận trực tuyến về các sản phẩm hay thương hiệu, từ đó có những gợi ý cần thiết để đưa ra quyết định mua sắm cuối cùng. Theo giới phân tích, tính năng này nhằm đánh vào tâm lý “số đông” bởi khách hàng thường có xu hướng mua cùng một món hàng do bạn bè chia sẻ và giới thiệu.

Kế hoạch tận dụng lợi thế mạng xã hội để phát triển thêm mua sắm xã hội được thể hiện rất rõ qua động thái Facebook mua lại công ty quảng cáo trực tuyến LiveRail, mỗi tháng tung ra tới hơn 7 tỷ video quảng cáo, và hiện đang phát triển mạnh bởi là thị trường còn nhiều tiềm năng khai phá mà các trang mạng xã hội nhắm vào. Đối thủ lớn nhất của Facebook là    Twitter cũng công bố việc mua lại công ty quảng cáo di động TapCommerce.

Ông Greg Sterling, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Optus, đánh giá, việc   Facebook và Twitter hướng đến phát triển hình thức thương mại điện tử xã hội là “một quyết định thông minh” bởi các công ty này sở hữu một lượng lớn người sử dụng trực tuyến. Tại Thung lũng Silicon, các nhà đầu tư dày dạn đang đổ tiền vào các ứng dụng thương mại điện tử sản xuất các ứng dụng mua sắm cho Facebook.