Để âm nhạc kết nối yêu thương con người

ANTĐ - LTS: Những lời chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được sự đồng cảm của hàng trăm nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng người yêu nhạc tại lễ khai mạc Festival âm nhạc mới Á-Âu 2014, tối 8-10, ở Nhà hát lớn Hà Nội. Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu thông điệp về nghệ thuật của Phó Thủ tướng với các nghệ sĩ của thế giới đang tụ hội ở Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình, những ngày này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (bên phải) với nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản) trong ngày khai mạc Festival âm nhạc mới Á - Âu

Có một mẩu truyện tựa đề “Puskin với công tử bột’’ kể rằng nhà thơ Nga nổi tiếng đã đáp lời một công tử nhà giàu khoe của rằng ông còn giàu hơn vì luôn có một khoản tiền vĩnh cửu tiêu không cạn là 33 chữ cái. Vâng, chỉ với một số lượng chữ cái không nhiều, bao tác phẩm bất hủ đã góp phần làm lên kho tàng văn học đồ sộ của nhân loại.   

Còn âm nhạc? Chỉ với 7 nốt nhạc, bao tác phẩm âm nhạc đã đem lại niềm tin, sức mạnh, tình yêu cuộc sống. Chữ viết, tiếng nói của các dân tộc khác nhau không phải ai cũng hiểu, trong khi, dù không biết tới nốt nhạc con người vẫn cảm nhận được, có thể đắm chìm trong những giai điệu âm nhạc để tìm về kỷ niệm, mơ tới tương lai; để nỗi đau được xoa dịu, niềm vui được nhân lên; để hết giận hờn, được kết nối yêu thương... để tiếp thêm sinh lực và niềm tin hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Chỉ có thể nói là kỳ diệu! 

Xin cảm ơn các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ và tất cả những người cống hiến cho âm nhạc đã đem đến, đã để lại cho chúng ta những thời khắc, những giá trị, những di sản vô giá. 

Với Dàn nhạc giao hưởng cùng nhiều nhà soạn nhạc, nhà chỉ huy dàn nhạc, nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam và nhiều nước Á - Âu ở đây, hôm nay và các chương trình hòa nhạc tiếp theo trong khuôn khổ Festival này chúng ta sẽ được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Có thể là bác học, là cổ điển. Có thể thấm đẫm những làn điệu dân ca, hay mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Cũng rất có thể là sự hòa quyện, kết hợp nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo, bình dị mà rất đỗi thanh cao, gần gũi mà bao la rộng lớn - điều mà chúng ta đã gặp, đã cảm nhận trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, Quan họ Bắc Ninh của Việt Nam mà  UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay trước đó là ca Trù, hát Xoan, Nhã nhạc cung đình Huế... 

Từ ngàn năm, văn minh Âu châu và Á châu đã qua những thăng trầm và những bước giao lưu nhiều cung bậc cảm xúc. Triết lý Tây phương và Minh triết Đông phương cũng đã hướng về nhau và tìm thấy ngày càng nhiều điểm gặp gỡ.  

Chúng ta cùng nhau ở đây, tại một thành phố vì hòa bình ở Đông Nam châu Á, bên trong một nhà hát, từ kiến trúc tới tên gọi đều mang đậm dấu ấn châu Âu để cùng thưởng thức những tác phẩm tinh hoa từ nhiều dân tộc ở cả hai châu lục, để hiểu hơn về nghệ thuật, văn hóa, đất nước, con người của nhau. Chỉ có thể nói tới một sự giao lưu mơ ước. 

Điều này càng có ý nghĩa khi nhìn lại lịch sử không phải cuộc gặp gỡ giữa hai châu lục nào cũng chỉ được nhắc tới bằng niềm tự hào, bằng cảm xúc hân hoan. Chúng ta đang ở những ngày mùa thu lịch sử, sáu mươi năm trước Thủ đô Hà Nội được giải phóng sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, chấm dứt ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ. 

Với chính nghĩa và truyền thống nghìn năm văn hiến, bằng sức mạnh đoàn kết, quả cảm và sáng tạo tuyệt vời, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều hy sinh gian khổ để bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước, góp phần kiến tạo và gìn giữ hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. 

Chúng ta nhắc về quá khứ để cùng hướng tới tương lai và để càng trân trọng những cống hiến - trong đó có những tài năng, nhân cách lớn trong lĩnh vực âm nhạc - để càng nỗ lực vì hòa bình và nền văn minh nhân loại, nhất là trong bối cảnh một số nơi ở châu Á và cả châu Âu vẫn còn xung đột, bạo lực, còn máu đổ và tiếng khóc xé lòng của những người mẹ, người vợ và cả trẻ thơ... 

Hãy để âm nhạc kết nối yêu thương giữa con người, làm sứ giả hòa bình để không còn tiếng đạn bom. Để không còn tiếng khóc khổ đau. Để chỉ nghe tiếng hát, tiếng cười. 

Hãy nguyện cùng phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Để các dân tộc, mọi màu da, mọi tôn giáo cùng chung tay đắp xây và sống trong hạnh phúc. Để hành tinh của chúng ta mãi một màu xanh.

Tôi xin nhắc lại lời đại văn hào Victor Hugo “Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng im” để nhường lại cho âm nhạc.

Trình diễn ở Hà Nội và trên Vịnh Hạ Long

Trong lễ khai mạc Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu, các khán giả đã thưởng thức nhiều tác phẩm giao hưởng khác nhau. Trong đó có tác phẩm “Dialogue” (Đối thoại) của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thể hiện sự giao hòa giữa âm hưởng của nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ độc tấu với tập thể dàn nhạc, giữa giai điệu dân gian Việt Nam với những cấu trúc về âm nhạc, hòa thanh, tiết tấu của một dàn nhạc tiêu biểu phương Tây.
Theo dự kiến, ngoài những đêm diễn ở Hà Nội, một chương trình hòa nhạc dân tộc sẽ được tổ chức tại hang Đầu Gỗ, trên Vịnh Hạ Long, địa điểm có vòm hang thiên nhiên cao như vòm nhà hát. Các nhạc cụ làm từ tre, gỗ sẽ thể hiện một cách đầy đủ nhất chân dung âm nhạc Việt Nam với các bạn bè quốc tế.