ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Hải Trung: "Hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước có gắn chip điện tử"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước có gắn chip điện tử, có độ bảo mật cao, có thẻ tích hợp nhiều thông tin, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các tiện ích phục vụ cho cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế xã hội", Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội - phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, chiều 9-11.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Trung tướng, Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội - phát biểu thảo luận trước Quốc hội chiều 9-11

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Trung tướng, Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội - phát biểu thảo luận trước Quốc hội chiều 9-11

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, chiều 9-11, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội cho biết, một trong những dấu ấn rất nổi bật của ngành Công an năm 2021 là đã hoàn thành và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong thời gian ngắn, ngành Công an đã cấp 50 triệu thẻ căn cước có gắn chip điện tử cho công dân.

Đây là hai dự án lớn về công nghệ thông tin, có phạm vi toàn quốc, triển khai trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và triển khai thần tốc, sự cống hiến tận tuỵ của lực lượng Công an nhân dân, hai hệ thống này đã hoàn thành đúng tiến độ chỉ sau hơn một năm thực hiện.

Tại hội nghị tổng kết hai dự án, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: Đây là một trong những hình mẫu về đầu tư công hiện nay. Nếu dự án nào cũng triển khai với tinh thần quyết liệt và dứt điểm như thế này, thì việc đầu tư công của chúng ta sẽ rất hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Trung tướng, Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu phải thống nhất một app (ứng dụng điện tử) tiện ích, rộng mở, dễ sử dụng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vấn đề này, Bộ Công an hiện đang rất tích cực thực hiện.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, việc hoàn thành, đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta. Vì đây là dữ liệu gốc rất chính xác, với thông tin của gần 100 triệu công dân đã được số hoá, bổ sung, cập nhật hàng ngày từ cơ sở trở lên, được thu thập bởi hơn 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã chính quy trên toàn quốc.

"Điều này cho thấy, việc thực hiện chủ trương chính quy công an xã của lực lượng Công an thời gian qua là rất đúng đắn, vô cùng cần thiết. Lực lượng này cần được củng cố, tăng cường trong thời gian tới", Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Việc hoàn thành, đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta.

Việc hoàn thành, đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta.

Giám đốc CATP Hà Nội thông tin, trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an triển khai gắn mã số định danh cá nhân cho 100% công dân cả nước. Đối với người được cấp thẻ căn cước công dân thì mã số định danh chính là số căn cước công dân. Đối với người chưa được cấp thẻ đã có thông báo bằng văn bản đến cho công dân có gắn kèm mã QR.

Đồng thời với đó, hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước có gắn chip điện tử, có độ bảo mật cao, có thẻ tích hợp nhiều thông tin, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các tiện ích phục vụ cho cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế xã hội.

Trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, đã cho thấy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng để phát triển và thống nhất các ứng dụng phần mềm phòng chống dịch, khắc phục tình trạng “loạn” phần mềm chống dịch với nhiều lỗ hổng bảo mật như vừa qua.

Từ hiệu quả thực tiễn của việc này, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã xác định: Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất với việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân hoặc hình thức phù hợp với người chưa có thẻ căn cước công dân gắn chíp, phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đây là chủ trương rất đúng đắn, cần được các ngành khẩn trương triển khai để mang lại hiệu quả trên thực tế.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người ra vào sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản ngày 11-11 tới.

“Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi rất lớn và sẽ là bài học để quản lý các hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới”, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, điều này có ý nghĩa rất lớn cho việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực danh tính công dân hoạt động qua không gian mạng, góp phần ngăn chặn các vi phạm rất phức tạp hiện nay.

Cùng với đó, Bộ Công an đang trình Chính phủ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, giúp tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong việc khai thác ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.