ĐBQH: Không sửa luật để hợp thức hóa cho các chung cư mini sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, không nên đặt vấn đề sửa luật để hợp thức hóa các chung cư mini có dấu hiệu sai phạm…
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội chiều 1-11

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội chiều 1-11

Chiều 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Phát biểu tranh luận với các ĐBQH nêu ra trước đó về vấn đề chung cư mini, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nhấn mạnh, với hệ thống pháp luật hiện nay thì hoàn toàn có thể xử lý vấn đề chung cư mini nếu có kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không đặt ra vấn đề sửa luật để hợp thức hóa các chung cư mini có dấu hiệu vi phạm.

Trong phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ loại hình chung cư mini để đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Nữ ĐBQH này đề nghị cần “lấp đầy lỗ hổng pháp lý” trong quản lý chung cư mini hiện nay, làm rõ trách nhiệm của các ngành chức năng và phải sửa luật nhà ở trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cũng chung quan điểm cho rằng, những lỗ hổng về hệ thống pháp luật đã dẫn đến thiếu sót trong công tác quản lý chung cư mini.

Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội rằng “nhu cầu thực tế của người dân cần phải được bảo đảm nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini ở trong Luật Nhà ở”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung, trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini đang hiện hữu.

ĐBQH Đồng Ngọc Ba phát biểu chiều 1-11

ĐBQH Đồng Ngọc Ba phát biểu chiều 1-11

Cũng phát biểu về nội dung này, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhắc lại, “có đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp về thể chế, cũng có đại biểu lo ngại những quy định siết chặt sẽ gây khó cho người dân, nhất là người nghèo…”.

Theo ông Ba, trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), vừa qua Ủy ban Pháp luật đã chủ trì giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ thêm thực trạng chung cư mini.

Từ đó, kịp thời cập nhật các vấn đề thực tiễn phát sinh một cách cầu thị, lắng nghe ý kiến đa chiều để hoàn thiện. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cụ thể đối với nội dung về loại nhà này trong dự thảo Luật.