ĐBQH: Hà Nội có chính quyền đô thị mà thiếu chính sách đặc thù thì khác gì... bó một bên cánh

ANTD.VN - Không chỉ ĐBQH trong đoàn Hà Nội mà ngay các ĐBQH đoàn TP HCM đều khẳng định, cần phải có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách cho Thủ đô bởi TP HCM cũng đã có và thậm chí nhiều hơn…

ĐBQH Nguyễn Phi Thường phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội

Sáng nay, 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tại tổ Hà Nội, các ý kiến đều tán thành với tờ trình của Chính phủ ra Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế tài khóa đặc thù cho Thủ đô phát triển xứng tầm hơn.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, Hà Nội) phân tích, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong luật này rất hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”.

“Ý tôi muốn nói cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội rất trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khoá.

Phải có đủ đôi cánh như vậy thì mới phát triển mạnh được. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng” – ĐB Nguyễn Phi Thường nói.

Thực tế trước Hà Nội, TP HCM đã được Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP HCM. Ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP HCM đã có tại Nghị quyết 54, là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.

“Tôi cho rằng những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển. Hiện Thủ đô có nhiều vấn đề bức bối như môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân bắt đầu có những vấn đề bộc lộ… và với ngân sách nguồn lực hiện nay thì rất khó khăn để làm” – vị ĐBQH này nói thêm.

Ngay cả ở tổ TP HCM, các ý kiến ĐBQH phát biểu thảo luận cũng đều tán thành việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, tương tự như cơ chế đặc thù mà TP HCM đang có.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phân tích, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với quốc tế nên cần được đầu tư để phát triển xứng tầm.

Thực tế giai đoạn vừa qua, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Đặc biệt, GRDP của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người mới xếp thứ 8 cả nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của thành phố có sự quá tải. Do đó cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.

“Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước 2015 hay các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được” – ĐB Ngân nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM phân tích, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội, song thực tế triển khai luật này cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.

Vị ĐBQH đoàn TP HCM đề xuất, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.

“Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, nên tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện. Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu” – ĐB Quyết Tâm nói.